(HNM) - Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những hậu quả trầm trọng, đặc biệt là khủng hoảng tâm lý, có thể kéo dài suốt cuộc đời nạn nhân. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị khởi tố.
Tư vấn kỹ năng sống cho học sinh tiểu học.
Nạn nhân e ngại,thủ phạm thoát
Gần đây, liên tục xảy ra những vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng. Điển hình là vụ một em gái học lớp 6 ở Thái Bình bị người hàng xóm 62 tuổi cưỡng bức, mang thai 6 tháng. Cuối tháng 9, cơ quan điều tra phát hiện một bé gái 12 tuổi ở Hà Nội bị bố nuôi xâm hại nhiều lần khiến cho em luôn hoảng loạn. Đau lòng hơn, một bé gái 13 tuổi ở Vĩnh Phúc buộc phải làm nô lệ tình dục cho chính bố đẻ trong gần 2 năm trời.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng. Theo ThS Đặng Bích Thủy, Viện Gia đình và Giới, trẻ em nhóm tuổi từ 11-18 bắt đầu có sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý. Lúc này, việc tham gia của trẻ vào các mối quan hệ xã hội ở phạm vi rộng hơn, phức tạp hơn trong khi bản thân chúng chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ nên dễ có nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, muốn khẳng định mình trước mọi người xung quanh, lại tò mò và dễ bảo, dễ tin nên trẻ dễ rơi vào những hoàn cảnh, môi trường không lành mạnh. Về phần gia đình, cha mẹ thiếu hụt kiến thức về sự phát triển thể chất tâm - sinh lý lứa tuổi, không biết cách trò chuyện, hướng dẫn trẻ về sự phát triển của cơ thể, cũng như các nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ.
Từ phía xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các kênh thông tin đã góp phần phát tán văn hóa bạo lực và tình dục. Trong khi việc kiểm soát, xử lý thông tin không lành mạnh của các cơ quan chức năng gặp phải nhiều khó khăn thì khả năng tiếp cận những thông tin này lại hết sức dễ dàng. Chính điều này đã tạo nên sự tò mò, kích động và dễ có hành vi lệch chuẩn ở những đối tượng xấu.
Trên thực tế, còn một nguyên nhân quan trọng khiến xâm hại tình dục trẻ em gia tăng là tâm lý ngại tố cáo của nạn nhân và gia đình. Phần lớn cha mẹ có trẻ bị lạm dụng đều lo ngại, sau này em gái đó sẽ rất khó xây dựng gia đình nếu người khác biết quá khứ đau buồn đó. Lo sợ, hoảng loạn, xấu hổ nên rất nhiều trường hợp gia đình trẻ bị xâm hại muốn giữ im lặng, không đưa ra xét xử công khai những kẻ gây ra tội lỗi. Theo kết quả nghiên cứu thực tế, phần lớn những kẻ có hành vi đồi bại là những người quen biết với trẻ như hàng xóm, bạn bè, người thân trong gia đình nên việc tiết lộ, phơi bày tội ác của kẻ xâm hại lại càng bị bưng bít, khó phát hiện. Có không ít trường hợp, vụ việc xảy ra 2-3 năm rồi mới báo công an nên gia đình nạn nhân không đưa ra được chứng cứ và tội phạm không bị trừng phạt.
Luật pháp còn nhiều kẽ hở
Theo ThS Đặng Bích Thủy, một trong những khiếm khuyết của khung pháp lý ở Việt Nam là chưa có điều khoản bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lạm dụng trong môi trường gia đình. Chưa có điều khoản nào quy định tách hẳn trẻ ra khỏi gia đình trong trường hợp bị cha mẹ lạm dụng nghiêm trọng. Điều 13 của Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã công nhận không ai có quyền buộc đứa trẻ sống tách khỏi cha mẹ trừ khi sự tách biệt đó là vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Tuy vậy, luật không công nhận các trường hợp trẻ bị tách khỏi cha mẹ do bị lạm dụng hay vì các lợi ích tốt nhất của trẻ. Bên cạnh đó, khung pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mới chỉ tập trung vào điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như hiếp dâm, buôn bán trẻ em để sử dụng vào mục đích bóc lột tình dục mà chưa chú trọng điều chỉnh những hình thức xâm hại tình dục trẻ em ít nghiêm trọng hơn như quấy rối tình dục, dâm ô trẻ em. Một tồn tại nữa là hệ thống pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa có những quy định riêng về các quyền của trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục nên vẫn còn những thủ tục có thể gây thêm tổn thương lần hai cho trẻ trong quá trình tố tụng.
Theo các chuyên gia tâm lý, để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, ngay từ nhỏ, cha mẹ nên cung cấp những kiến thức về giới tính cho con, dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, không để ai xâm phạm. Điều đáng lưu ý là ở Việt Nam, trẻ thường được dạy là phải biết nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan. Chính vì sự dạy dỗ đó mà trẻ em rất tin cậy ở người lớn, do đó dễ bị lừa gạt, mua chuộc, trấn áp về tinh thần và thể lực. Vì vậy, đã đến lúc trẻ cần được dạy cách nhận biết những dấu hiệu không an toàn từ người lớn. Giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục tại các trường học, đặc biệt là các trường cấp I và cấp II vì lứa tuổi này các em thường hay bị xâm hại nhất, cũng là một biện pháp giúp trẻ tránh xa nguy cơ phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.