(HNM) - Làng cổ ở Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là ngôi làng đầu tiên của nước ta được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Sau 10 năm (2005-2015) được công nhận, loại hình di tích đặc biệt này đã được các ngành chức năng từ TƯ đến địa phương và người dân Đường Lâm
- Thưa ông, xin ông cho biết sau khi làng cổ ở Đường Lâm trở thành di tích quốc gia, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đã được thực hiện như thế nào?
- Có thể khẳng định, ngay sau khi trở thành di tích quốc gia, việc bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm đã nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều phía, của cộng đồng người Việt Nam và những người yêu di sản trên thế giới. Một số ngôi nhà cổ, công trình di tích tiêu biểu đã và đang được đầu tư tu bổ, tôn tạo, trở thành điểm tham quan, tìm hiểu hấp dẫn của người dân và du khách. Nhiều chuyên gia bảo tồn, tình nguyện viên đến từ Nhật Bản không quản ngại khó khăn, đã cùng ăn, ở, sinh hoạt với nhân dân Đường Lâm để nghiên cứu văn hóa bản địa và giúp đỡ cộng đồng dân cư bảo tồn di sản, đồng thời tư vấn cho các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các kế hoạch quản lý.
Một góc làng cổ ở Đường Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Nam |
Ở góc độ quản lý, thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản nhằm mục tiêu xuyên suốt là bảo tồn, phát huy tốt giá trị của làng cổ, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Từ cuối năm 2013 đến nay, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm (tỷ lệ 1/2000) được UBND TP Hà Nội phê duyệt, triển khai, đã từng bước hóa giải mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vốn tồn tại trong nhiều năm. Chẳng hạn, việc cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực di tích đã được các ngành chức năng ủy quyền cho UBND thị xã Sơn Tây thực hiện nên quy trình cấp phép được rút ngắn. Mặt khác, các hộ dân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp của văn phòng tư vấn xây dựng đặt tại làng cổ đã góp phần hạn chế các công trình vi phạm phát sinh. Các mẫu nhà truyền thống phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích cũng đã hoàn thiện thiết kế, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định. Đáng chú ý là đất giãn dân cho cư dân làng cổ đã được quy hoạch tại khu Đồi Chung (thôn Phụ Khang) và đang được tiến hành giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, các đơn vị liên quan đã tiến hành điều tra, khảo sát và lấy ý kiến đại diện nhân dân của 5 thôn sinh sống trong khu vực di tích để xây dựng quy chế giãn dân. Ngoài ra, với hộ gia đình tiến hành sửa chữa nhà ở trong khu vực cần ưu tiên bảo vệ của di tích, nếu có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện vay 350 triệu đồng không lãi suất.
Triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân dân Đường Lâm từng bước được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật để có thể phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương thành sản phẩm du lịch. Hiện tại, giống gà Mía đã được bảo tồn gen, xây dựng thương hiệu khá thành công; sản phẩm bánh chè xanh nhận được sự phản hồi tích cực từ du khách… Nói chung, so với 10 năm trước, đời sống của nhân dân Đường Lâm tăng lên khá nhiều; nhiều công trình di tích quý giá được bảo tồn, phát huy trên cơ sở khoa học, trong đó có 5 công trình nhận được giải thưởng danh dự của UNESCO về bảo tồn di sản văn hóa.
- Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, song, trên thực tế, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm đã gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ về điều đó?
- Di tích được công nhận đã 10 năm, song, việc tiến hành các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo hướng khoa học, đồng bộ mới chỉ được tập trung trong 3 năm trở lại đây, bởi thế, nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa thể giải quyết. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án giãn dân giai đoạn 1 chậm so với tiến độ đề ra do chưa kiểm đếm được một số hộ có tranh chấp đất đai, số tờ, số thửa không phù hợp với bản đồ khu vực thu hồi đất. Việc triển khai các dự án phục vụ dân sinh tại di tích gặp rất nhiều khó khăn do chưa bố trí được nguồn vốn. Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự xây dựng tại di tích chưa được giải quyết triệt để. Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ dân tham gia vào hoạt động kinh tế, du lịch chưa có; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch chưa được xây dựng bài bản, chưa mang lại nhiều lợi ích cho đa số người dân trong khu vực di tích. Một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích, công trình nhà cổ chậm được triển khai…
Đáng nói hơn, sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của thị xã Sơn Tây với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Đường Lâm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn thiếu đồng bộ, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nhân dân Đường Lâm khá bảo thủ, thụ động trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch khiến một số dự án không thể triển khai… Chúng tôi nhận thức rõ rằng, những tồn tại, hạn chế này cần sớm được khắc phục thì mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở Đường Lâm mới được giải quyết triệt để.
- Vậy thị xã Sơn Tây sẽ làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị di tích cho tương xứng với tiềm năng trong thời gian tới, thưa ông?
- Tôi khẳng định rằng, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây. Trước hết, chúng tôi duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo, ban quản lý; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động để đội ngũ cán bộ và nhân dân hiểu hơn về những giá trị có một không hai của di tích, từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo tồn di sản, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Với các dự án đang triển khai, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhất là dự án xây dựng khu giãn dân. Để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ di tích, thị xã Sơn Tây sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng xây dựng đề án chuyển đổi kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển mô hình dịch vụ; phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp; nghiên cứu miễn, giảm thuế cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại di tích; bố trí nguồn vốn chống xuống cấp các di tích đã xếp hạng đang bị xuống cấp nghiêm trọng…
Mặc dù vậy, Đường Lâm có đặc thù là một di tích sống, mô hình và cách thức quản lý chưa từng có tiền lệ nên chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa về mọi mặt của các cấp, các ngành chức năng, của các tổ chức quốc tế và sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư xã Đường Lâm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.