Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều việc phải làm

Hồ Văn| 08/05/2010 08:39

(HNM) - Lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vừa thiếu lại vừa yếu, khiến công tác quản lý ATVSTP còn lỏng lẻo. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn chồng chéo giữa các ngành với nhau nên chưa đạt hiệu quả cao". Đó là nhận xét, đánh giá chung của nhà chức trách TP Hồ Chí Minh.

Lạm dụng chất phụ gia

Các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, nhất là trong các trường học diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đang là hồi chuông báo động về tình trạng mất ATVSTP. Mới đây là kẹo phát sáng có chứa chất gây ung thư vẫn được bày bán la liệt khắp thị trường. Để xảy ra điều đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu vẫn là sự hám lợi của một bộ phận người kinh doanh đã bất chấp sức khỏe và tính mạng của cộng đồng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Nhiều căng tin trường học được cấp chứng nhận ATVSTP.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rau, củ, quả, thủy - hải sản, thịt... được bày bán chứa hàm lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản như hàn the, phoóc môn... Nghiêm trọng hơn, nhiều chất phụ gia được sử dụng chế biến thực phẩm nằm trong danh mục sản xuất công nghiệp là chất độc hại có thể gây ung thư. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là thực trạng nhiều nhà sản xuất sử dụng quá nhiều chất phụ gia trong quá trình chế biến thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT TP bức xúc: Chất phụ gia trị nấm dùng cho sản phẩm hải sản, nhưng lại có trong cả lợn, gà… Không phải đến bây giờ việc sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm mới bùng phát, thế nhưng các cơ quan chức năng cũng chỉ mới xử phạt ở mức hành chính. Việc kiểm soát chất phụ gia những năm gần đây thường bị buông lỏng. Trong khi người dân vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm, thì hầu hết các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có những quy định cụ thể về việc sử dụng chất phụ gia trong chế biến, sản xuất thực phẩm", bà Nguyễn Thị Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op kiến nghị.

Bất cập quản lý

Để xảy ra tình trạng sử dụng chất phụ gia ngày càng phổ biến như hiện nay, nguyên nhân chính là do lực lượng kiểm tra vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, vừa thiếu về số lượng... Mặt khác, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm còn chồng chéo giữa các ngành với nhau. Điển hình nhất là sự chồng chéo giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp. Trong cùng một lô hàng thì ngành y tế được giao nhiệm vụ kiểm tra chất phụ gia thực phẩm, còn ngành nông nghiệp thì kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ. Do đó khi một lô hàng có vấn đề cần kiểm tra lại nguồn gốc xuất xứ thì phải chờ ý kiến từ phía Sở Y tế, gây mất nhiều thời gian, sản phẩm có thể bị hư hại, biến dạng... Chia sẻ điều này, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, cơ quan chức năng quản lý về mặt nhà nước, người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình nên cần có những quy định cụ thể để doanh nghiệp tự kiểm tra và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong quá trình sử dụng sản phẩm, nếu muốn công tác quản lý ATVSTP được thực hiện tốt.

Để công tác quản lý ATVSTP thực sự đi vào chiều sâu, tránh chồng chéo, Nhà nước cần xây dựng một hệ thống quản lý ATVSTP đồng bộ từ cao đến thấp, đồng thời phải có một hệ thống kiểm nghiệm nhanh đáp ứng được yêu cầu quản lý. Ngoài ra phải có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến ATVSTP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.