(HNM) - Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt song ngày thi đầu tiên với 2 môn toán, vật lý của đợt I kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2010 đã diễn ra suôn sẻ với 653.500 thí sinh (TS) dự thi, chiếm gần 76% tổng số đã đăng ký. Tỉ lệ này cao hơn năm 2009 tới gần 10% và cao nhất trong vài năm gần đây.
* Lỗi vi phạm chủ yếu là mang theo điện thoại, 51 TS bị đình chỉ thi
* Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Không nên đăng đáp án ngay sau buổi thi”
(HNM) - Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt song ngày thi đầu tiên với 2 môn toán, vật lý của đợt I kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2010 đã diễn ra suôn sẻ với 653.500 thí sinh (TS) dự thi, chiếm gần 76% tổng số đã đăng ký. Tỉ lệ này cao hơn năm 2009 tới gần 10% và cao nhất trong vài năm gần đây.
Kết thúc ngày thi đầu, Bộ GD-ĐT cho biết có 71 TS vi phạm quy chế thi, trong đó có 51 TS đã bị đình chỉ thi, 17 TS bị khiển trách và 3 TS bị cảnh cáo.
Không phát hiện trường hợp thi hộ
Điều đầu tiên mà nhiều chủ tịch hội đồng tuyển sinh lưu ý là tỉ lệ dự thi năm nay cao hơn so với năm 2009 và tỉ lệ ấy tăng đáng kể ở một số trường, như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội… Riêng Trường ĐH Thủy lợi, do số lượng TS đăng ký dự thi tăng mạnh nên trường đã phải thuê thêm 4 điểm thi ở các trường tiểu học.
Hôm qua, 650.000 thí sinh đã dự thi 2 khối A và V. Ảnh: Viết Thành |
Các TS đã có nhiều thông tin và cũng tự tin hơn nên có khá nhiều em tới trước giờ thi mới tới làm thủ tục dự thi, do vậy số TS dự thi chính thức của các trường đều tăng thêm so với ngày đăng ký. Những khó khăn của TS đều được các cán bộ coi thi linh hoạt giải quyết theo hướng có lợi cho TS. Ngay ngày thi đầu, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có hàng chục TS báo bị mất cắp giấy tờ và các em đã được tạo điều kiện để dự thi bình thường. Theo ý kiến từ các hội đồng thi, sở dĩ họ có thể giải quyết vấn đề nảy sinh một cách linh hoạt là bởi công tác chuẩn bị khá tốt và nhà trường đã có bộ ảnh đối chiếu của các TS.
Nhận xét công tác tổ chức thi năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đề thi năm nay được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, không có sai sót, không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề. Công tác coi thi tiếp tục được tăng cường, kỷ luật trường thi được siết chặt. Về tình hình kỷ luật trường thi trong ngày thi đầu, Bộ GD-ĐT cho biết, trong số 51 TS bị hội đồng coi thi ra quyết định đình chỉ, đa số phạm lỗi mang điện thoại vào phòng thi. Đây cũng là lỗi vi phạm được các hội đồng thi đặc biệt lưu ý và có giải pháp nhắc nhở TS. Để tránh TS "vô tình" vi phạm, ngoài việc phổ biến quy chế, bên ngoài cửa các phòng thi thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều có dán nội dung nhắc nhở TS không được vi phạm lỗi này.
Giám thị hướng dẫn thí sinh làm thủ tục cần thiết trước giờ thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Viết Thành |
Cũng trong ngày thi đầu tiên này, có một cán bộ coi thi bị đình chỉ vì đã làm rách bài thi của TS. Do đây không phải là lỗi của TS nên bài thi này vẫn được chấm như bình thường.
Đây là năm thứ 2 không có trường hợp thi hộ nào trong ngày thi đầu tiên. Số TS và giám thị vi phạm quy chế, bị xử lý không tăng so với năm 2009.
TS ảo và khó khăn tài chính
Mặc dù tỉ lệ TS dự thi đã có xu hướng tăng song các hội đồng tuyển sinh vẫn chưa thể phấn khởi bởi lượng TS ảo vẫn còn khá lớn, kèm theo đó là khoản lỗ hàng trăm triệu đồng cho công tác tổ chức thi. Ông Nguyễn Đăng Học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết: Mặc dù theo quy định mới thì lệ phí thi đã được nộp cùng hồ sơ, một yếu tố khiến số hồ sơ ảo giảm, song gánh nặng tài chính của các trường vẫn không nhẹ được bao nhiêu. Các trường vẫn phải căn cứ vào số lượng TS đăng ký dự thi để tính toán số phòng thi và xác định phương án thuê địa điểm. Lượng TS ảo lên tới 20-30% vẫn là điều đáng lo.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. |
Sinh viên tình nguyện tham gia bảo đảm an toàn cho kỳ thi. |
Cùng quan điểm trên, bà Tô Kim Ngọc, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của Học viện Ngân hàng cũng nêu khó khăn về tài chính, nhất là chi phí thuê địa điểm thi vốn có giá thuê tăng lên sau mỗi năm. "Năm nay, chi phí thuê phòng thi đã tăng ít nhất 20% so với năm ngoái", bà Ngọc cho biết.
Không chỉ có vấn đề chi phí thuê phòng thi, ông Nguyễn Hoàng, Hội đồng tuyển sinh Viện ĐH Mở cho biết: Chi phí văn phòng phẩm phục vụ cuộc thi cũng là khoản lớn, bao gồm tiền mua giấy thi trắc nghiệm, in đề thi. Chi phí cho mỗi đề thi tự luận đã là 7.500 đồng, đề thi trắc nghiệm là 13.000 đồng. Với lượng TS ảo ít nhất là 30% trong tổng số 10.000 hồ sơ dự thi (riêng đợt thi I), Viện ĐH Mở đã nhìn thấy trước khoản lỗ nhiều chục triệu đồng.
"TS không nên hoang mang…"
Chưa hết 2/3 thời gian thi môn Toán, những TS đầu tiên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã ra khỏi cổng trường với tâm trạng khác nhau. Trong khi phần lớn TS rời phòng thi sớm vì không làm được bài thì TS Ngô Thị Ngọc Hà (Bắc Giang) cho biết: "Em làm hết bài và khá tự tin. Có thể em đã làm đúng ít nhất 90% nội dung đề thi. Đề năm nay tương tự năm ngoái, câu khó nhất vẫn là bất phương trình". Không phấn khởi như vậy, phần lớn TS được hỏi cho rằng chỉ đạt 7 điểm là cao.
Buổi chiều, đề thi Vật lý được nhiều TS nhận xét là "khó nhằn" hơn môn Toán. TS Nguyễn Quốc Đạt (Nam Định) cho biết: "Khó nhất là câu hỏi về dòng điện xoay chiều và dao động. Em làm được khoảng 80%". Một giám thị của Trường ĐH Giao thông Vận tải nói vui: Có thể thấy ngay đề thi có tính phân loại tốt vì trong phòng thi có em phấn khởi hoàn thành trước giờ, có em căng thẳng làm tới phút chót, số khác thì… ngủ vùi cho đến hết buổi.
Trong khi đó, nhận xét về xu hướng ra đề thi những năm gần đây, đại diện một số trường vốn có đầu vào cao cho rằng đề thi chưa giúp họ lựa chọn được những TS phù hợp, bởi biên độ điểm không lớn, số TS đạt điểm sàn sàn như nhau quá nhiều. Một số trường nêu ý kiến về việc tự ra đề riêng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội (một trường thường có điểm chuẩn cao thuộc top 5) lại cho rằng: Việc thi "ba chung" như hiện nay là tốt nhất. Điểm thi ĐH chỉ cần chênh lệch 0,5 điểm là đủ thể hiện sự khác biệt. Nếu từng trường ra đề riêng thì sẽ tốn kém.
Các TS có nỗi lo khác. Mỗi khi rời phòng thi sau những nỗ lực cao độ, họ không tránh khỏi hoang mang trước rất nhiều đáp áp, bài giải được rao bán, đăng tải. Các bản đáp áp nhiều khi không giống nhau. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm: "Bộ sẽ không đưa ra đáp án chính thức ngay sau mỗi buổi thi để tránh cho các TS bị phân tâm trong môn thi tiếp theo. Thay vì lo lắng về các đáp án không chính thức, TS hãy giữ vững tinh thần để thi các môn sau". Thứ trưởng cũng cho rằng, các phương tiện thông tin đại chúng hãy giúp đỡ TS bằng cách không đăng tải đáp án ngay sau buổi thi.
Ngày thi đầu tiên đã khép lại với nỗi băn khoăn nhất định của những người làm công tác tuyển sinh và sự thấp thỏm khó tránh của các TS. Hôm nay, 5-7, TS sẽ thi môn Hóa học theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.