(HNM) - Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) có hiệu lực đã được gần một năm (từ ngày 14-10-2010). Dù đã được chỉ đạo sát sao, song đây là việc mới và khó nên đến nay, việc triển khai ở các cấp chính quyền vẫn còn lúng túng.
Khó khăn về nhân sự
Cần có chính sách phù hợp và chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ “một cửa”.Ảnh: Linh Tâm
Thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Cục Kiểm soát TTHC đã được thành lập (trực thuộc Văn phòng Chính phủ), các cấp chính quyền cũng đã thành lập Phòng Kiểm soát TTHC với số biên chế từ 5 đến 10 người. Tuy nhiên, do việc lựa chọn, bố trí cán bộ rất khó khăn nên tiến độ thành lập Phòng Kiểm soát TTHC ở hầu hết các đơn vị đều chậm. Chỉ từng đó biên chế nhưng Phòng Kiểm soát TTHC phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn: Chỉ đạo điều hành việc thực hiện các nghị định, chỉ thị, thông tư liên tịch, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về vấn đề này; thực hiện đánh giá tác động (ĐGTĐ) và lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động của quy định về TTHC; thẩm định đối với quy định về TTHC; rà soát các quy định, TTHC; tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính… Trong khi đó, đây là việc chưa có tiền lệ, lại chưa được tập huấn bài bản nên không ít đơn vị ngại… khó. Chỉ riêng việc thực hiện ĐGTĐ đã cho thấy đây là công việc không đơn giản.
Ông Mai Thiện Thành, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC của TP Hà Nội cho biết: "Phòng Kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND TP hiện có 5 cán bộ có chuyên môn (đều đã tham gia Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP) nhưng nhiều hôm phải làm việc cả ngoài giờ mới bảo đảm tiến độ công việc, bởi phòng chỉ có 5 đến 10 ngày để ĐGTĐ một TTHC mà các đơn vị đã dự thảo trong vài tháng. Trong khi đó, việc ĐGTĐ phải căn cứ vào bộ công cụ ĐGTĐ gồm: 3 biểu mẫu đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp của các quy định về TTHC và việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Mỗi cán bộ phải trả lời tới 50 câu hỏi ở các biểu mẫu, mà để trả lời được 50 câu đó phải thực sự hiểu vấn đề, phải đọc nhiều văn bản liên quan, am hiểu cuộc sống và có trình độ".
Điều 18, Nghị định 63/2010/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cơ quan thực hiện TTHC cũng nêu rõ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện TTHC. Quy định này trùng khớp với Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, bộ phận "một cửa" nhiều nơi vẫn chỉ là hình thức do thiếu cán bộ, không đủ biên chế để bố trí đủ cán bộ "một cửa" chuyên trách. Tại Hà Nội, nhiều đơn vị đang đối mặt với tình trạng này và số cán bộ ít ỏi luôn phải căng sức để bảo đảm yêu cầu công việc.
"Vướng" nên chậm tiến độ
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (thuộc Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Lâm đánh giá, việc kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện kiểm soát TTHC còn chậm dẫn đến việc triển khai hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn TP chưa bảo đảm tiến độ. Ngoài Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành được kiểm tra đều chưa ĐGTĐ các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định và trình UBND TP ban hành.
Sở Tư pháp vẫn tiến hành thẩm định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định về TTHC khi cơ quan chủ trì soạn thảo chưa ĐGTĐ và chưa lấy ý kiến của Phòng Kiểm soát TTHC. Đặc biệt, một số cơ quan khi giải quyết TTHC vẫn yêu cầu thêm hồ sơ, giấy tờ so với quy định về TTHC trong các VBQPPL… Nguyên nhân của tình trạng này, theo các đơn vị là do cán bộ kiểm soát TTHC mới, còn nhiều lúng túng. Hà Nội cũng có những khó khăn đặc thù do địa bàn rộng và nhiều đơn vị hành chính. Chính vì thế, TP đã xây dựng bộ TTHC mới, song với bộ TTHC của cấp huyện dày 800 trang và bộ của cấp xã dày 300 trang thì việc đóng quyển, triển khai quyết định công bố xuống 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn cũng là cả vấn đề.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không tránh khỏi những vướng mắc từ các quy định của TƯ, đó cũng là điều làm ảnh hưởng đến tiến độ. Phổ biến là tình trạng VBQPPL thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhưng các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn chậm ban hành. Rồi các văn bản có nội dung chồng chéo, hay một số thủ tục liên thông chưa quy định cụ thể mỗi cấp, mỗi đơn vị được thực hiện trong bao nhiêu thời gian gây ra lỡ hẹn, chậm trả hồ sơ cho tổ chức, công dân...
Kiểm soát TTHC là việc rất cần thiết để xây dựng nền hành chính minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, công dân. Song, để đạt được yêu cầu đề ra, cần phải có sự quyết tâm, chung sức của các ngành, các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.