(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội thảo ba bên thúc đẩy hoạt động giải quyết tranh chấp lao động ngoài tòa án ở Việt Nam. Đây là một bước quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), thời gian vừa qua, hầu hết các tranh chấp lao động đều không tuân theo các qui định của pháp luật lao động và xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách tiền lương và môi trường làm việc. Đa số các doanh nghiệp có tranh chấp lao động không xây dựng thang, bảng lương, quy chế nâng lương mà chỉ trả lương dựa trên mức lương tối thiểu.
Lãnh đạo Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam làm việc với đại diện công nhân về chế độ chính sách và tiền lương. Ảnh: Bảo Lâm |
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tranh chấp lao động là do người sử dụng lao động đã sa thải, kỷ luật người lao động (NLĐ) trái pháp luật; không ký hợp đồng lao động; không đóng BHYT, BHXH cho NLĐ, không bảo đảm điều kiện lao động… dẫn đến số lượng và tần suất các vụ tranh chấp lao động ngày càng tăng mặc dù các hội đồng hòa giải đã được thành lập từ cấp quận, huyện đến tỉnh.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, do nhận thức còn hạn chế về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, nên trong các vụ tranh chấp cá nhân, NLĐ thường bỏ qua vai trò hòa giải mà trực tiếp khiếu nại tới cơ quan nhà nước. Đối với những vụ tranh chấp lao động tập thể, đa số NLĐ đều chọn hình thức ngừng việc tự phát. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp có hội đồng hòa giải cơ sở còn quá thấp, chỉ chiếm hơn 30%. Điều đáng nói là hội đồng hòa giải cơ sở được thành lập cho đủ ban bệ, thành phần chứ chưa giải quyết được vụ tranh chấp tập thể nào. NLĐ cho rằng, hội đồng hòa giải cấp cơ sở cũng như công đoàn cơ sở đang hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp, do đó chưa thực sự đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ. Mặt khác, cán bộ hòa giải chỉ là người kiêm nhiệm, năng lực về chuyên môn liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật lao động chưa sâu, chưa đủ tầm.
Theo ông Mai Đức Thiện - Phó Trưởng phòng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH thì hoạt động chủ yếu của hội đồng trọng tài lao động là tham gia giải quyết đình công không theo trình tự pháp luật. Ngoài ra, hội đồng này có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, báo cáo tình hình xảy ra tranh chấp lên cấp trên. Từ năm 1999 đến nay, cả nước chỉ có TP Hồ Chí Minh giải quyết được 2 vụ, Bình Dương 1 vụ và Đồng Nai 4 vụ. Ông Hồ Xuân Dũng, Thư ký Hội đồng Trọng tài lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi được kiện toàn đến nay, Hội đồng không nhận được vụ việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể nào xảy ra trên địa bàn. Lý do do hầu hết các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra đều không đúng trình tự pháp luật quy định. Do đó, hội đồng trọng tài lao động chỉ làm nhiệm vụ tập huấn về chuyên môn cho hội đồng hòa giải cơ sở.
Như vậy, các vụ tranh chấp lao động xảy ra ngày càng nhiều nhưng sự vào cuộc, giải quyết của các ban, ngành chức năng còn nhiều hạn chế. Đã có ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần xuất phát từ các chính sách còn chồng chéo trong khi năng lực của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Song, theo các chuyên gia lao động, nguyên nhân chính là do thái độ, thiếu tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động. Vì vậy, để hạn chế và giải quyết được các vụ tranh chấp lao động, trước hết, người sử dụng lao động phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp cán bộ tư vấn, hòa giải phải có đủ năng lực, trình độ để giải thích, vận động, thuyết phục được NLĐ hiểu và làm theo luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.