Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều khó khăn

Linh Chi| 24/04/2019 06:56

(HNM) - Nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội luôn chú trọng triển khai Thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Dù vậy, việc ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể vẫn còn nhiều khó khăn.


Anh Phan Văn Vinh (Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam) cho biết, nhờ có Thỏa ước lao động tập thể, bên cạnh việc được đóng các chế độ bảo hiểm, công nhân còn được giảm giá 3% khi mua xe máy, trả góp không lãi suất 50% giá trị xe trong 30 tháng. Căng tin công đoàn bán giảm giá các mặt hàng 10-30% so với giá thị trường; phục vụ ăn ca trị giá 25.000 đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, Thỏa ước lao động tập thể làm lợi cho công nhân, thúc đẩy năng suất lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa nhưng còn ít chủ doanh nghiệp nhận thức đầy đủ như tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Từ đó, Liên đoàn Lao động thành phố thường xuyên quan tâm hỗ trợ hình thành các Thỏa ước lao động tập thể, thông qua tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp về kỹ năng thương lượng, đàm phán… Tuy nhiên, việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ở cơ sở là không dễ dàng.

Là đơn vị luôn được biểu dương về hoạt động công đoàn hiệu quả, năm 2018, quận Long Biên có 80% đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ký được Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Đặc biệt, 2 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cũng được quận hướng dẫn ký Thỏa ước lao động tập thể. Dù vậy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng chia sẻ, với không ít doanh nghiệp, cán bộ công đoàn dù bỏ công tiếp xúc rất nhiều lần nhưng vẫn bị từ chối khi... ngỏ lời về Thỏa ước lao động tập thể.

Theo kế hoạch, năm 2019, Liên đoàn Lao động thành phố phấn đấu có 75% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký được Thỏa ước lao động tập thể, với ít nhất 45% đạt loại B trở lên. Đến nay, tuy toàn thành phố đã nhận được khoảng 1.600 bản Thỏa ước lao động tập thể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức thương lượng thực sự để mang lại lợi ích cho người lao động trước khi ký kết còn thấp.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Ngọc (Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố), nhiều Thỏa ước lao động tập thể dài dòng nhưng thực chất không có điều khoản nào được thông qua bằng thương lượng và thực sự có lợi hơn cho người lao động. Một số Thỏa ước lao động tập thể chỉ mang tính hình thức, sao chép lại những quy định của luật. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là các quy định về Thỏa ước lao động tập thể; người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết của Thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay là bán chuyên trách và kiêm nhiệm; thiếu kiến thức về pháp luật lao động, kỹ năng tuyên truyền, vận động; năng lực đàm phán, thương lượng còn yếu…

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, ý nghĩa của việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể; tăng cường tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về kiến thức, kỹ năng thương lượng trong xây dựng Thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, rất cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa ước nhằm bảo đảm quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa hai bên, góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động. Đây cũng là cơ hội để công đoàn khẳng định vị thế của mình trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.