(HNM) - Sau khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành Di sản tư liệu thế giới trong chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, vừa qua 82 bia đá Tiến sĩ thời Lê - Mạc (bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám) vinh dự được đưa vào chương trình này. Đây là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội trước ngày đón chào thành phố 1000 năm tuổi.
Phố Tràng Tiền thế kỷ XIX. Ảnh: Tư liệu. |
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: “Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World - MOW) của UNESCO ra đời từ năm 1994 nhằm ghi nhận các di sản thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, như: sách, phim, ảnh, ghi âm giọng nói, bút tích… Ngoài việc bảo đảm tính xác thực, nguyên bản và duy nhất, di sản còn phải có ý nghĩa với thế giới. Ông Châu nhấn mạnh, Ký ức thế giới chỉ là một chương trình chứ chưa trở thành Công ước quốc tế giống như với di sản vật thể hay phi vật thể nên chưa gọi là “danh hiệu”.
Từ năm 2007, sau lớp tập huấn về việc xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu, Việt Nam xây dựng hai bộ hồ sơ tham dự chương trình MOW: “Mộc bản triều Nguyễn” do Cục Lưu trữ quốc gia thực hiện và “Bộ ảnh Đông Dương trước năm 1954” do Viện Thông tin khoa học xã hội đảm nhiệm. Hai bộ hồ sơ gửi UNESCO vào năm 2007 và 2008. Tại Hàn Quốc, UNESCO tổ chức hội nghị để các nước lần đầu tiên tham dự chương trình này có điều kiện điều chỉnh hồ sơ. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia UNESCO, ông Phạm Sanh Châu nghiên cứu lại hồ sơ và thấy rằng khó có thể bảo vệ được thành công bộ ảnh này vì di sản phải có tính nguyên vẹn độc đáo và độc bản. Trong khi đó bộ ảnh Đông Dương không còn nguyên vẹn và nhiều bức ảnh trong số đó lưu trữ ở Pháp… Vì vậy, hồ sơ này được thay bằng hồ sơ 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu rồi bảo vệ “thử” trước Hội đồng thẩm định của UNESCO với hầu hết các thành viên của Hội đồng thẩm định đều có mặt... Năm 2009, UNESCO công bố kết quả công nhận Mộc bản triều Nguyễn và năm 2010, công nhân 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Tư liệu di sản thế giới.
Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng từ năm 1484-1780, phản ánh hoạt động thi cử trong hơn 300 năm, từ năm 1442-1779, với danh sách 1.307 vị tiến sĩ. Không chỉ ghi lại danh sách những người đã đỗ tiến sĩ như Bảng Vàng (Danh sách những người đỗ Tiến sĩ được triều đình công bố sau kỳ thi) của Trung Quốc cũng được đưa vào chương trình MOW trước ta, giá trị và nét độc đáo của bia Tiến sĩ ở Văn Miếu là những bài văn khắc trên bia, ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài đối với quốc gia. Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn là những tác phẩm văn học vô giá. Mỗi tấm còn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo, được chạm khắc khác nhau và cách trang trí thay đổi theo từng thời kỳ. Qua các tấm bia có thể hiểu được lịch sử phát triển mĩ thuật đất nước ta từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia, càng khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu - một trong những tiêu chí MOW đặt ra.
Theo ông Phạm Sanh Châu, UNESCO đánh giá cao giá trị của 82 bia Văn Miếu ở việc “Việt hóa” đạo Khổng khi du nhập vào Việt Nam, thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự trọng dụng người tài. Điều này đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong việc xây dựng một thế giới toàn cầu hóa nhưng có bộ mặt nhân bản (human face). Bia Tiến sĩ soạn năm 1442, khắc năm 1484 của Thân Nhân Trung có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Bia khoa thi năm 1448: “Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc thì đều bị coi là thiếu đường hướng phát triển”. Bia khoa thi 1463 do Ðào Cử soạn: “Mở cửa cầu hiền, sửa sang nền đức, cổ vũ lòng dân”... Ngoài giá trị văn hóa và khoa học, 82 bia Tiến sĩ còn có giá trị thẩm mỹ cao nên trong hồ sơ trình UNESCO có đề xuất những biện pháp để di sản được giữ gìn, chẳng hạn việc hạn chế khách tham quan sờ đầu rùa...
Tại hội nghị ở Hàn Quốc, cùng với bộ hồ sơ về 82 bia Tiến sĩ, bộ hồ sơ về cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của Bác Hồ do Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện cũng đưa ra và được các chuyên gia đánh giá tốt. Đây là bản gốc, độc bản, là tài liệu do một nhân vật vĩ đại viết, có giá trị lớn về lịch sử, thời đại. Tác phẩm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1961, gửi Báo Nhân dân và đã xuất bản thành cuốn sách cùng tên, do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1963. Hồ sơ về cuốn sách đang được hoàn tất các thủ tục ở trong nước nên hy vọng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và 120 năm Ngày sinh của Bác Hồ, bản thảo cuốn sách cũng được đưa vào chương trình này.
“Nước ta còn rất nhiều di sản tư liệu quý giá có thể đề cử vào chương trình MOW”, ông Phạm Sanh Châu khẳng định. Ông nói, các địa phương trong cả nước đang tiến hành rà soát để đề xuất những di sản bảo đảm tiêu chí UNESCO đề ra. Việc trở thành Di sản tư liệu thế giới giúp người dân tự hào về di sản, quảng bá giá trị di sản ra bên ngoài và tăng cường hình ảnh quốc gia. Các di sản còn được gắn logo của UNESCO và quốc gia đó được chia sẻ những kinh nghiệm trong bảo tồn và giữ gìn di sản. Về lâu dài, khi hình thành quỹ bảo tồn và phát triển di sản tư liệu quốc tế thì quốc gia có di sản được hưởng những quyền lợi từ quỹ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.