(HNM) - Thương mại điện tử (bán hàng qua mạng) ngày càng khẳng định ưu thế so với các kênh bán hàng truyền thống. Do không bị giới hạn về không gian, tiếp cận được với khách hàng và đối tác trên khắp thế giới, có thể cung cấp dịch vụ 24/24 giờ, nên nhiều DN đã lựa chọn sử dụng dịch vụ này.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển bởi tính tiện dụng. Ảnh: Thanh Hải
Đại diện một công ty vàng bạc trên địa bàn Hà Nội cho biết, sau hơn một năm triển khai kênh bán hàng qua mạng, doanh thu đã tăng 20% so với cùng thời điểm bán hàng theo kiểu truyền thống. Từ thực tế này, công ty đã nghĩ đến việc phát triển một cửa hàng online để giảm chi phí mặt bằng và thuê nhân viên, cũng như khắc phục những giới hạn về không gian, thời gian của loại hình kinh doanh truyền thống. Không ít DN thuộc các lĩnh vực khác cũng đầu tư nâng cấp trang web trở thành một kênh bán hàng, trong khi định hướng ban đầu chỉ là kênh giới thiệu các sản phẩm sản xuất, kinh doanh. Sự tiện lợi này được khẳng định thông qua số lượng đơn đặt hàng của các trang web đã tăng đáng kể. Đại diện Công ty CP Thế giới di động cho biết, hằng tháng có 2.000-2.500 đơn hàng, đóng góp 1-1,5 tỷ đồng vào doanh thu của công ty. Mỗi ngày có khoảng 500.000 lượt khách hàng truy cập vào trang web, trong đó 30% là khách hàng truy cập thường xuyên, số đơn đặt hàng qua mạng của công ty tiếp tục tăng mạnh... Đại diện một công ty chuyên về truyền thông và thương mại điện tử chia sẻ, thay vì đầu tư một trang web bán hàng riêng, DN có thể đăng ký một gian hàng trên chợ điện tử hay các siêu thị trực tuyến. Bởi, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, cổng thương mại mang tính cộng đồng này sẽ thu hút nhiều khách hàng tìm đến mua sắm do tính tiện lợi và giá cạnh tranh.
Bên cạnh sự đa dạng của người bán, khách hàng tham gia đặt hàng thông qua các trang web cũng phát triển. Ngoài những nhân viên văn phòng không có thời gian mua sắm, nhiều DN thương mại điện tử đã chú trọng đến một lượng lớn khách hàng dự án. Ngoài các hình thức thanh toán truyền thống (tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng, chuyển tiền qua bưu điện…), phần lớn DN thương mại điện tử hiện nay đều chấp nhận phương tiện thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ ATM, trên cơ sở liên kết với các ngân hàng thông qua hình thức internet banking, tiến tới sẽ mở rộng thanh toán qua hệ thống thẻ ATM, thay vì chỉ là thẻ visa hay masterCard trước đây. Bởi, hiện nay, số lượng thẻ ATM ở nước ta đã đạt trên dưới 10 triệu thẻ và có mức tăng trưởng 150%/năm.
Tuy vậy, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta vẫn còn bất cập về chi phí và an toàn trong giao dịch. Theo đại diện các DN bán hàng qua mạng, khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, chi phí cho mỗi giao dịch khoảng 3-4% giá trị đơn hàng. Thêm nữa, số người sử dụng thẻ tín dụng ở nước ta chưa nhiều trong khi nhiều tính năng của thẻ ATM vẫn chưa được khai thác đúng mức. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến nay chỉ có khoảng 20% DN thương mại điện tử áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng, trong khi chủ yếu vẫn là hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, tiền mặt khi giao hàng, chuyển tiền qua bưu điện. Thêm nữa, trong thời gian qua tình trạng hacker tấn công ăn cắp thông tin thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến đã trở nên phổ biến. Để bảo đảm an toàn cho thanh toán bằng thẻ tín dụng, DN đành yêu cầu khách hàng thực hiện một số xác nhận mang tính thủ công, như fax hai mặt thẻ, chữ ký và passport. Vì thế, nhiều khách hàng lại chuyển sang thanh toán bằng những hình thức truyền thống.
Về mặt lý thuyết, bán hàng qua mạng tiết giảm được khá nhiều chi phí mặt bằng, nhân sự, giá hàng hóa được bày bán trên mạng thấp hơn 20-30% so kênh truyền thống. Nhưng thực tế, giá hàng hóa bán ở các trang thương mại điện tử ở nước ta nhiều khi còn cao hơn sau khi đã cộng các chi phí phát sinh, nhất là chi phí vận chuyển. Với những hàng hóa có giá trị cao như nữ trang, nếu giao hàng thông qua các công ty giao nhận, khách hàng sẽ phải trả mức phí bảo hiểm là 2%/tổng đơn hàng. Như vậy, ngoài hai rào cản mà DN thương mại điện tử phải đối mặt, còn có một rào cản khá lớn khác là thông tin. Bởi, khi thực hiện bán hàng qua mạng, khách hàng không được xem kỹ mọi chi tiết, dùng thử nên thông tin về sản phẩm trên trang web phải được trình bày đầy đủ. Những tiêu chí về chính sách trả lời đơn đặt hàng, hoàn trả sản phẩm, bảo hành, giá bán, khuyến mãi… phải được cập nhật liên tục. Người mua hàng qua mạng cũng rất cần được giới thiệu các phụ kiện đi kèm, vừa để kích cầu, vừa tạo cảm giác thoải mái cho NTD...
Các DN thương mại điện tử đều có chung nhận định, việc khai thông các rào cản về kỹ thuật là có thể làm được, song cái khó là làm thế nào để thay đổi nhận thức, thói quen và tạo dựng niềm tin với NTD. Vì mỗi ngày trong 100 đơn đặt hàng trên trang web có 70 đơn hàng là đặt thử. Để giải quyết tình trạng này, một số DN đã triển khai việc dán tem bảo đảm uy tín cho các trang web thương mại điện tử để giảm thiểu rủi ro và mang lại sự yên tâm cho NTD. Và một điều không kém phần quan trọng là phải có trung gian hòa giải cho những tranh chấp phát sinh giữa khách hàng và người bán hàng trong quá trình giao dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.