Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều băn khoăn!

Bảo Nga - Thùy Ngân| 16/10/2012 07:14

(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định về học phí giáo dục chất lượng cao trong các trường mầm non và phổ thông công lập. Ngay sau khi công bố dự thảo văn bản này đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về tính cần thiết và cả những bất cập...


Một giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Cát Linh. Ảnh: Trung Kiên

Cô giáo Phạm Thu H. (Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên): Khái niệm “chất lượng giáo dục cao” chưa rõ ràng!

Điều khiến tôi thấy băn khoăn, một dự thảo quan trọng liên quan đến chất lượng giáo dục nhưng lại được soạn thảo một cách rất sơ sài. Theo dự thảo, việc ban hành quy định này nhằm “khuyến khích các trường phát huy khả năng đầu tư của gia đình học sinh để thực hiện chất lượng giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…”. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là khái niệm thế nào là giáo dục chất lượng cao, giáo dục chất lượng cao có sự khác biệt như thế nào với giáo dục phổ thông... thì trong dự thảo lại được giải thích rất chung chung: “Giáo dục chất lượng cao là chất lượng giáo dục được cam kết cùng với điều kiện thực hiện ở mức độ cao hơn so với mức độ đạt được tại thời điểm cam kết”. Nội dung dự thảo của Bộ GD-ĐT dường như mới chỉ quan tâm đến mức phí, mà “bỏ quên” đến yếu tố chất lượng giáo dục. Nếu không xây dựng được một chương trình giáo dục chất lượng cao với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng thì chắc chắn dù quy định có được ban hành, các trường cũng khó có thể thu hút phụ huynh cho con em mình theo học…

Bà Nguyễn Thị Lược (giáo viên đã nghỉ hưu ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy): Dễ nảy ra tình trạng “chạy” trường chất lượng cao

Trên thực tế, thời gian qua, việc xây dựng trường chuyên, lớp chọn đã rất phổ biến và tạo nên một “trào lưu” trong ngành giáo dục. Theo dự thảo, mô hình giáo dục chất lượng cao sẽ được thực hiện trên một số nhóm, lớp hoặc có quy mô toàn trường. Dù việc thu học phí chất lượng cao không nhằm mục tiêu lợi nhuận, song chắc chắn sẽ dẫn đến việc thu nhập của giáo viên, cán bộ quản lý tại các lớp, trường chất lượng cao và trường, lớp bình thường có sự khác biệt nhau. Đặc biệt, học sinh học tại các nhóm, lớp chất lượng cao sẽ dễ nảy sinh tâm lý phân biệt về trình độ và sự giàu -nghèo ngay trong một trường. Rõ ràng việc một số gia đình có điều kiện kinh tế muốn cho con em theo học tại các trường có chất lượng chăm sóc, giáo dục cao là nhu cầu thực tế, song nên tổ chức các trường mầm non, phổ thông chất lượng cao riêng biệt và thu phí tương xứng, chứ không nên tổ chức nhóm, lớp chất lượng giáo dục cao ngay trong các trường công lập. Mặt khác, theo dự thảo, phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT sẽ trực tiếp hướng dẫn và kiểm tra công tác đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, trên cơ sở đó ngành giáo dục sẽ tham mưu để UBND tỉnh, huyện ra quyết định công nhận trường chất lượng cao. Với kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như vậy, dư luận e rằng lại xảy ra tình trạng “chạy” trường chất lượng cao vì thành tích!

Bà Phạm Thị Bích (KTT Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy): Cần đội ngũ giáo viên thực sự tâm huyết

Nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ là mong muốn của riêng ngành GD-ĐT mà là của toàn xã hội. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, dù chưa có khái niệm học phí trường chất lượng cao, nhưng các bậc phụ huynh cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập và rèn luyện nhân cách của con em mình. Họ luôn sẵn sàng đáp ứng những gợi mở của ngành giáo dục, tự nguyện trang bị cơ sở vật chất hiện đại, từ điều hòa nhiệt độ đến màn hình máy chiếu tương tác giúp học sinh được học với những giáo cụ trực quan sinh động. Tuy nhiên, những thiết bị này cũng chỉ là vật dụng góp phần tăng hiệu quả truyền tải kiến thức, còn chất lượng giáo dục, sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, sự phát hiện thúc đẩy tài năng ở mỗi đứa trẻ lại do người thầy quyết định. Làm thế nào để trẻ yêu thích việc học, làm thế nào để trẻ thực sự hạnh phúc khi được đến trường? Theo tôi, đó không chỉ nằm ở việc thu học phí cao, mà phải có một đội ngũ giáo viên và nhà quản lý thực sự tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Anh Hoàng Mạnh Hùng (phố Nguyễn Khiết, quận Hoàn Kiếm): Quản lý chặt chẽ giáo dục ngoài công lập

Những năm gần đây, mô hình giáo dục dân lập đã được triển khai rộng rãi và có xu hướng ngày càng phát triển, không những san sẻ gánh nặng quá tải cho các trường công lập mà còn là cơ hội cho các bậc phụ huynh lựa chọn môi trường học phù hợp cho con em mình. Mức học phí tại trường dân lập hiện cao gấp hàng chục lần học phí trường công lập, nhưng đâu đó vẫn còn những phản ánh về sự chăm sóc học sinh tại trường dân lập không đúng “đồng tiền bát gạo” mà người dân đã bỏ ra. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó phải kể đến yếu tố đầu tiên là ngành GD-ĐT trao quá nhiều quyền cho các trường dân lập, tạo lỗ hổng trong quản lý giáo dục ngoài công lập. Theo tôi, thay vì tổ chức lớp, nhóm học thu học phí chất lượng cao trong trường công lập, ngành GD-ĐT cần giám sát chặt chẽ, kiện toàn hệ thống trường dân lập hơn nữa, tạo ra nguồn cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, thực sự mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều băn khoăn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.