(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung này. Việc tiếp tục thí điểm trên diện rộng hay dừng lại đang là câu hỏi được chính những người trong cuộc và cử tri chờ đợi.
Đại biểu cử tri chất vấn đại biểu dân cử tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa. Ảnh: Linh Tâm |
Bộ máy vận hành thông suốt
Báo cáo bước đầu của Bộ Nội vụ về tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 10 tỉnh, TP với 67 huyện, 32 quận, 483 phường, xã cho thấy, qua 3 năm triển khai việc thực hiện thí điểm đã thu được những kết quả tích cực. Bộ máy Nhà nước các cấp tại những nơi không tổ chức HĐND vẫn vận hành thông suốt, đã bước đầu có sự phân định về tổ chức bộ máy của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Tổ chức và hoạt động của UBND TP vẫn bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Quyền đại diện của người dân, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở huyện, quận, phường vẫn được bảo đảm. Hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, TP đối với các cơ quan trên địa bàn huyện, quận nơi thực hiện thí điểm đã từng bước được đổi mới, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Đặng Công Luận, địa phương có số lượng đơn vị thực hiện thí điểm nhiều nhất (24 quận, huyện và 299 phường) đánh giá, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước vẫn được bảo đảm, thông suốt. Vai trò điều hành quản lý mọi mặt về kinh tế - chính trị, xã hội và an ninh - quốc phòng của UBND các cấp được duy trì ổn định trong khi giảm bớt được các thủ tục và lượng văn bản. Nếu được cho phép, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện tại 63 xã, thị trấn còn lại.
Cần có cái nhìn toàn diện
Kết quả bước đầu là vậy, song theo đánh giá của nhiều đại biểu dân cử, trước khi đi tới quyết định thực hiện đại trà hay dừng thí điểm, cần có những đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện hơn. Bởi không tổ chức HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, bỏ đi một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tiếng nói tập trung của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ở địa phương.
Nếu ai đã dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp sẽ có chung nhận định đây là một kênh thông tin đầy đủ, là cầu nối hiệu quả giữa cử tri và các cơ quan nhà nước. Đơn cử tại Hà Nội, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm HĐND TP khóa XIV tổ chức trong tháng 7-2012, ngay từ tháng 6 các đại biểu HĐND TP đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri. Cử tri đã có tới 230 ý kiến, kiến nghị, thông qua các đại biểu dân cử của mình để gửi gắm tới các cơ quan chức năng. Các nội dung cử tri đề cập cũng đa dạng, từ những vấn đề vĩ mô như bình ổn giá, quy hoạch quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông cho đến những việc ở địa bàn dân cư như thiếu nước sạch, đường xuống cấp, bổ sung biển báo giao thông tại một số tuyến phố… Hầu hết các kiến nghị đã được UBND TP và các cơ quan chức năng trả lời ngay, những vụ việc chưa rõ kết quả cũng đã có những báo cáo bước đầu về kết quả thực hiện. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri ở cấp quận, huyện, phường, xã, các kiến nghị của cử tri cũng luôn được chú trọng.
Thực tế tại các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, xã, phường cho thấy "cầu nối" đang có hiện tượng lỗi nhịp. Bởi trước đây, khi còn HĐND cấp phường, xã, hằng năm các đại biểu phải thường xuyên xuống các khu dân cư, tổ dân phố để báo cáo tình hình kinh tế và lắng nghe ý kiến của bà con, nhưng khi không còn HĐND việc tiếp xúc đó hạn chế. Không còn HĐND quận, huyện, những kiến nghị cử tri được gửi thẳng tới UBND nên nhiều lúc việc trả lời còn chậm trễ. Mặt khác, công việc của HĐND tỉnh, TP đã quá nặng, nếu "gánh" thêm cả khối lượng công việc của HĐND quận, huyện, phường, xã để lại liệu chất lượng, hiệu quả công việc có được bảo đảm, nhất là trong thực hiện giám sát?
Việc củng cố bộ máy chính quyền các cấp theo hướng gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả là việc nên làm, song việc bỏ hay không bỏ HĐND cần cân nhắc kỹ lưỡng. Và trong khi chờ những đánh giá khách quan kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại một số cấp, vấn đề nên làm hiện nay là tập trung củng cố nâng cao chất lượng của cơ quan dân cử này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.