Ông hoàng vật lý Stephen Hawking cảnh báo những sinh vật ngoài địa cầu có thể tồn tại song nhân loại không nên tìm cách liên lạc với họ, bởi hậu quả sẽ thảm khốc đối với chúng ta.
Nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking tham gia thử nghiệm mô phỏng môi trường không trọng lượng trên một máy bay tại Mỹ vào năm 2007. Ông tận hưởng cảm giác không trọng lượng trong 25 giây. Ảnh: National Geographic. |
“Nếu sinh vật lạ viếng thăm địa cầu, hậu quả có thể giống như khi Columbus tìm thấy châu Mỹ, nghĩa là đẩy thổ dân bản xứ vào thảm họa diệt vong”, AFP dẫn lời nhà vật lý thiên văn Hawking trên một chương trình truyền hình tại Anh hôm qua.
Hawking cho rằng sinh vật ngoài trái đất có trình độ phát triển cao có thể xâm lược và thống trị những hành tinh mà họ phát hiện.
Đề cập tới khả năng tồn tại của nền văn minh ngoài địa cầu, Hawking khẳng định chẳng có gì vô lý khi chúng ta nói về “người ngoài hành tinh”.
“Thách thức thật sự của chúng ta là tìm hiểu xem họ có diện mạo thế nào”, ông nói.
Trong nhiều bộ phim giả tưởng, sinh vật ngoài trái đất có hình dạng giống như con mực khổng lồ có khả năng bám vào các vách đá nhờ hàng chục xúc tu. Nhưng trong nhiều tác phẩm khác, chúng có hình dạng gần giống con người, với cặp mắt to tướng và làn da màu xanh.
Loài người đã nhiều lần tìm cách liên lạc với những nền văn minh khác trong vũ trụ. Năm 2008, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát sóng ca khúc "Across the Universe" của ban nhạc Beatles vào không gian để gửi thông điệp hòa bình tới các sinh vật ngoài trái đất.
Trước đó, vào năm 1972 và 1973, Mỹ cũng lần lượt phóng hai tàu mang theo hình ảnh của một người đàn ông và một phụ nữ khỏa thân lên vũ trụ. Ngoài ra hai tàu còn mang theo cả những biểu tượng, ký hiệu nhằm giúp sinh vật ngoài hành tinh biết vị trí của trái đất và mặt trời. Vào năm 1977 Mỹ phóng hai tàu Voyager 1 và Voyager 2. Mỗi tàu mang theo một đĩa lưu trữ hình ảnh và âm thanh trên trái đất.
Stephen Hawking (sinh năm 1942) được coi là ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về hố đen trong vũ trụ. Hawking cũng từng nỗ lực theo đuổi mục tiêu tìm ra một “lý thuyết thống nhất” để giải quyết các mâu thuẫn giữa thuyết tương đối của Albert Einstein và thuyết lượng tử.
Ở tuổi 21, ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (một dạng suy giảm tế bào thần kinh điều khiển chức năng cử động). Các chuyên gia cho biết, chỉ có khoảng 5% người mắc bệnh này sống hơn 10 năm. Trong nhiều năm Hawking gần như liệt hoàn toàn. Ông giao tiếp thông qua một thiết bị tổng hợp tiếng nói gắn với máy tính. Mỗi khi cần nói, ông gõ chữ vào máy tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.