(HNM) - Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mới với dòng chảy không ngừng của thời đại. Trong tiến trình vận hành tất yếu của lịch sử, có nhiều điều sẽ mãi thuộc về quá khứ, nhưng cũng có những sự kiện mà âm hưởng của nó còn vang vọng mãi về sau.
Người dân Ireland biểu tình phản đối chính sách cắt giảm việc làm của Chính phủ. |
125 năm đã trôi qua, song hình ảnh của những công nhân Chicago xuống đường biểu tình đòi làm việc 8 giờ, mở đầu cho cuộc cách mạng phải trả bằng máu của người lao động trên khắp nước Mỹ với giới tư bản để có được quyền nghỉ ngơi và vui chơi như vẫn còn đây. Kể từ cuộc nổi dậy hào hùng và bi thương năm 1886, khi hàng trăm công nhân đã ngã xuống và nhiều thủ lĩnh công đoàn phải sống trong lao tù, tới khi Quốc tế Cộng sản II diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 20-6-1889 quyết định lấy ngày 1-5 hằng năm là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ thế giới cho đến hôm nay, người lao động đã khẳng định vai trò như một lực lượng quan trọng trong xã hội. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, các tầng lớp nhân dân lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất đã mở ra những thời kỳ mới với những vị thế và vận hội tương xứng. Mặc dù vậy, họ cũng là thành phần chịu tác động đầu tiên, lâu dài và lớn nhất trước mỗi thay đổi của bầu khí quyển chính trị - kinh tế toàn cầu nói chung và ở từng quốc gia nói riêng.
Sau khi cơn bão tài chính kinh hoàng quét qua mọi lục địa cách đây 3 năm, có lẽ hậu quả tàn khốc nhất về mặt xã hội mà nó để lại là hơn 205 triệu người bị cướp mất kế sinh nhai tính đến năm 2010. Cho dù những nỗ lực của các chính phủ đã đẩy lùi được bóng ma khủng hoảng, nhưng dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) vẫn cho rằng hành trình thu hẹp tỷ lệ thất nghiệp trên hành tinh năm nay tiến triển không đáng kể, vẫn là 6,1% (khoảng 203,3 triệu người). Con số 1,53 tỷ người nữa đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp do phải làm những công việc không ổn định, mang tính thời vụ, cho thấy mối ẩn họa đã được nhận diện nhưng chưa thể khắc phục đang là mầm mống cho một cuộc khủng hoảng xã hội thậm chí còn khủng khiếp hơn cơn suy thoái vừa mới ở sau lưng. Với gần 80 triệu thanh niên bị buộc phải "nhàn cư" do tình trạng cắt giảm nhân công ồ ạt, chiếm 12,6% lực lượng lao động này, ranh giới đỏ của sự ổn định xã hội như đã bị chạm tới. Vùng gió xoáy đang làm cả thế giới Arab biến động, nơi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức hai con số, bắt nguồn từ sự bất bình của tầng lớp thanh niên trước tình trạng bần cùng hóa do không có nổi một công việc nuôi thân là bài học nhãn tiền thúc ép các quốc gia phải hành động.
Cho dù nhiều chiếc chìa khóa vàng đang được đưa ra, từ tăng đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ - động lực chủ chốt để tạo ra nhiều việc làm, xây dựng các chính sách tăng trưởng hướng tới thị trường lao động - đến chú trọng đào tạo để lao động thất nghiệp dễ thích nghi với nền kinh tế đang thay đổi… nhưng bức tường thành thất nghiệp vẫn chưa hoàn toàn bị công phá. Nghiêm trọng là, hầu hết các quốc gia phải tự bươn chải để đương đầu với thách thức phi truyền thống này mà không thể trông chờ vào những đơn thuốc ngoại. Thiếu việc làm hiện chẳng còn là căn bệnh của riêng những quốc gia nghèo hay đang phát triển mà đã hiện diện ở các quốc gia luôn được xem là những toa hàng đầu của đoàn tàu kinh tế thế giới. Có tới hơn một nửa trong số 205 triệu người thất nghiệp là công dân của các nước phát triển và Liên minh châu Âu (EU). Không chỉ Nga đang tìm mọi cách để kéo tụt số người dân không có công ăn việc làm đang ở mức ngao ngán 7,6%, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động nhưng phải sống bằng trợ cấp tại Mỹ cũng lên đến 8,9% trong khi con số này ở Anh đã leo lên mức cao nhất trong 17 năm là 8% và đưa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục buồn 9,9%. Thảm họa chung của thế giới được cho là sẽ tiếp tục trở thành trận chiến nan giải khi các chính sách thắt chặt chi tiêu quá mức có thể làm trầm trọng thêm vấn nạn thất nghiệp.
Từ các cuộc đấu tranh đòi giảm giờ làm của những công nhân Mỹ 125 năm trước, người lao động tại nhiều nước trên thế giới thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để đòi quyền được làm việc. Dẫu có sự khác biệt về mục tiêu cho phù hợp với vòng xoáy phát triển của nhân loại, thế nhưng tinh thần ngày 1-5 vẫn còn mãi khi thế giới vừa kỷ niệm Ngày quốc tế lao động trong bối cảnh mới. Đó là lời nhắc nhở người lao động khắp hành tinh không ngừng vận động nhằm tạo ra cơ hội, nắm lấy thời cơ và thích ứng với sự biến đổi của thế giới hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.