(HNMO) - Đây là phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Hội nghị giao ban quý I/2013 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) diễn ra ngày 28/3.
Hội nghị tập trung vào nội dung: Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là vấn đề phân cấp mối quan hệ xử lý công việc giữa cấp và ngành, giữa chính quyền cấp trên và cơ sở; những giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện chủ đề năm 2013 - Năm kỷ cương hành chính.
Đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP cho thấy, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực trong đổi mới về quy trình về quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các TTHC được công bố và ban hành đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chi phí thời gian thực hiện có sự cải thiện. Thành phố đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2012-2016 với các biện pháp kiện toàn tổ chức, tạo sự đồng bộ trong quản lý, điều hành của UBND các cấp; triển khai Đề án “Thí điểm mở lớp đào tạo 1000 công chức nguồn của thành phố” và mở 8 lớp đào tạo cán bộ chủ chốt về xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử… Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiệu quả công việc được nâng cao, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục tình trạng chậm trễ, trùng chéo trong quá trình giải quyết công việc ở nhiều nơi.
Các TTHC được công bố và ban hành đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chi phí thời gian để thực hiện các TTHC có sự cải thiện. Tổng số TTHC hiện công khai trên Cổng Giao tiếp điện tử TP là 2.335 thủ tục, trong đó 1.897 TTHC của khối sở, ngành, 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo sơ kết 03 năm thực hiện Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông, chỉ đạo điểm đối với 5 quận, huyện (Tây Hồ, Long Biên, Từ Liêm, Thạch Thất, Chương Mỹ) và 62 xã trong tổ chức thực hiện cơ chế một của, một của liên thông theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng UBND TP nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế trong CCHC. Đó là tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn ở các sở, ngành, địa phương chưa tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lặp nên kết quả và tiến độ giải quyết công việc đạt hiệu quả thấp. Việc xử lý vướng mắc một số bất cập về chính sách chưa kịp thời; chất lượng hiệu quả trong tổ chức cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” có những hạn chế…
Theo đó, nhiều giải pháp đã được Ban cán sự đảng UBND thành phố đưa ra nhằm khắc phục tình trạng này là tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; duy trì và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; xác định rõ trách nhiệm, giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2013.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo một số quận huyện đã khá thẳng thắn và cùng chung kiến nghị các sở ngành cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chủ động, tích cực hơn với các quận huyện thị xã trong thực hiện cải cách hành chính, trong phân cấp thẩm quyền và cần hạn chế hội nghị.
Làm rõ hơn về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá việc phân cấp, phân quyền chưa mạnh nên nhiệm vụ chức năng còn chồng chéo, sự phối hợp chưa chặt chẽ, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh,. Cùng với đó, phẩm chất đạo đức của một bộ phận công chức, có cả người đứng đầu một số cơ quan đơn vị còn hạn chế, trì trệ, thiếu năng động. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vẫn có những kêu ca phàn nàn của nhân dân. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan vẫn là chủ yếu, “cải cách thế nào, đến đâu, chủ yếu do chất lượng cán bộ”. Thành phố sẽ tiếp tục phân cấp và phân quyền, nâng cao ý thức cán bộ công chức và đây chính là khâu đột phá giải quyết mọi vấn đề.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nhấn mạnh với vị trí là đầu não chính trị, trung tâm hành chính quốc gia, Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới, có quy mô dân cư đông và có số đơn vị hành chính cấp quận, huyện lớn nhất cả nước. Thành ủy Hà Nội xác định: Cải cách hành chính (CCHC) ở Thủ đô vừa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là khâu đột phá được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt; vừa là yêu cầu cần thiết, cấp bách. Hà Nội là một trong những địa phương đi tiên phong trong chỉ đạo CCHC. Về mặt chủ trương, từ nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ Thành phố đã chọn CCHC là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và là 1 trong 2 khâu đột phá. Đến nhiệm kỳ 2011 - 2015, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố tiếp tục xác định CCHC là một trong hai khâu đột phá, với nội dung: “Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Năm 2013, Thành phố xác định là “Năm kỷ cương hành chính”. Chủ trương này đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu.
Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận qua kiểm tra, khảo sát tại một số quận, huyện, cơ sở, đa số người dân đều nhận thấy những nỗ lực cố gắng của chính quyền cấp cơ sở trong công tác CCHC. TTHC đã bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân. Nhiều TTHC liên quan tới đời sống dân sinh, thường bị kêu ca, phàn nàn, bức xúc đã được rà soát, loại bỏ. Nền nếp làm việc, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ, thái độ, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là bộ phận một cửa có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới, công tác CCHC của thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm. Các tổ chức doanh nghiệp tư nhân, nhân dân vẫn còn kêu ca phàn nàn, chủ yếu là về trách nhiệm giải quyết công việc và sự phối hợp của các sở, ngành thành phố, như: Tình trạng đùn đẩy, né tránh; hứa hẹn nhưng không giải quyết hoặc chậm giải quyết. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sách nhiễu, không nhiệt tình giúp doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn. Việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông còn hạn chế, thể hiện tập trung ở một số lĩnh vực: Quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, lao động, thương binh và xã hội...; việc công bố, công khai thủ tục hành chính tuy đã có sự chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; còn hội họp quá nhiều, gây lãng phí thời gian và kinh phí; bệnh quan liêu, công văn giấy giấy tờ có xu hướng tăng... Đây chính là những rào cản, đang làm chậm tiến trình CNH, HĐH Thủ đô.
Với tinh thần nghiêm túc và thái độ thực sự cầu thị, Hà Nội cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Hà Nội cần phải củng cố, chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn nữa; đòi hỏi mỗi cán bộ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Sau Hội nghị này, Ban Thường vụ sẽ tiếp tục nghe Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo, phân tích sâu sắc và toàn diện hơn vấn đề này, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và biện pháp khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.