Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn gió lạ của sân khấu kịch

Yên Nga| 03/12/2017 10:45

(HNMO) - Sau đêm 2-12 được công diễn, “Cơn ghen của Lọ Lem” được ví như cơn gió lạ của sân khấu kịch, bởi nó đem đến những giây phút thưởng thức nghệ thuật mới mẻ cho khán giả. Đây cũng là vở diễn đánh dấu sự ra mắt của một đoàn kịch tư nhân hiếm hoi ở phía Bắc có tên LucTeam, do NSƯT Trần Lực thành lập nhằm theo đuổi ngôn ngữ kịch biểu hiện ước lệ.


Thực ra, LucTeam không phải đoàn kịch quá xa lạ. Khán giả đã gặp họ trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 với vở “Quẫn” (tác giả Lộng Chương). Tuy đã giành Huy chương bạc, giải Đạo diễn xuất sắc nhất và 3 huy chương cho các diễn viên sinh viên tại liên hoan này, nhưng “Quẫn” chỉ là vở kịch tốt nghiệp mà NSƯT Trần Lực dàn dựng cho các học trò là sinh viên Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Bây giờ, các sinh viên ấy đã tốt nghiệp. Trần Lực muốn thành lập một đoàn kịch để cùng các học trò say nghề ấy đi một con đường mới của sân khấu - kịch hiện đại với phương pháp biểu hiện ước lệ, mà anh đã mày mò nghiên cứu nhiều năm qua. Và, LucTeam ra đời từ đó.

NSƯT Trần Lực kể, ý tưởng về một hình thức sân khấu kịch mới này anh ấp ủ từ khi còn học đạo diễn tại Bulgaria. Tuy tu nghiệp về phương pháp hiện thực tâm lý nhưng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, Trần Lực ngấm chất sân khấu ước lệ từ nhỏ. Rồi được tiếp thêm đam mê từ một người thầy mê sân khấu phương Đông nên anh mạnh dạn đi theo một phương pháp kịch mới giao thoa Á - Âu. “Đó là cách tôi vận dụng kiến thức sân khấu hiện đại của thế giới với hình thức nghệ thuật truyền thống của cha ông như tuồng, chèo. Sân khấu biểu hiện ước lệ khác với sân khấu hiện thực tâm lý ở chỗ là không tả thực mà tả ý và tôi sử dụng nghệ thuật đương đại để thể hiện sự ước lệ đó”, NSƯT Trần Lực lý giải.

Về hình thức sân khấu này, công chúng đã thấy có những khác biệt thú vị ở vở kịch “Quẫn” trước đây và càng rõ rệt hơn trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”. Trong số các tác phẩm của nhà viết hài kịch tài ba người Pháp Molie, thì “Cơn ghen của Lọ Lem” ít được dàn dựng nhất, thậm chí chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Không phải bởi tác phẩm kém hay, mà để dựng được một vở hài với những chuyện nhỏ nhặt, giản dị, ít cao trào như thế trên sân khấu không phải điều đơn giản. Nhưng, NSƯT Trần Lực lại quyết định thử sức để đem cơn gió mới đến với sân khấu kịch Việt Nam.

“Cơn ghen của Lọ Lem” mang toàn bộ hình ảnh xã hội tiểu thị dân nước Pháp với những thói kệch cỡm, lố bịch, giả dối, sĩ diện, rởm đời… của 500 năm trước lên sân khấu. NSƯT Trần Lực sử dụng cách bài trí đơn giản, ánh sáng đơn sắc, trang phục không quá theo lối cũ kỹ từ những thế kỷ trước mà hiện đại, đời thường. Nhưng yếu tố chính là diễn viên đã làm nên thành công của vở diễn. Họ sử dụng nét mặt, ánh mắt, khả năng giải phóng cơ thể, sự di chuyển, kiểm soát quỹ đạo trong từng phân cảnh để khiến người xem tin vào câu chuyện kịch. Ví dụ, chỉ một cánh cửa mà người xem tưởng tượng về một gia đình nhỏ với hai nhân vật, một người trong nhà và một người đứng ngoài. Có lúc, họ đứng cạnh nhau mà diễn đạt đến mức khán giả tin là cả hai vẫn bị ngăn cách bởi cánh cửa… “Diễn viên phải thật hồn nhiên, trong sáng, tin vào sự ước lệ của mình thì khán giả mới tin được”, NSƯT Trần Lực cho biết.

Để diễn được vở này, các thành viên của LucTeam đã phải rèn luyện ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam 3 tháng, tập những bài khởi động khắc nghiệt, rồi học nhạc, học nhảy… với mục đích diễn chỉ một động tác nhưng chuyển tải được nhiều ý. Những hình thức nghệ thuật đương đại như face art (vẽ mặt), nhảy hiphop và nhiều bài hát nhạc trẻ được đưa vào vở diễn đã kéo gần khán giả đến với câu chuyện kịch của phương Tây, tạo sự trẻ trung bất ngờ cho “Cơn ghen của Lọ Lem”.

Vở diễn tiếp tục phục vụ khán giả vào các ngày 6, 14, 23, 30-12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). LucTeam cũng đang dựng song song vở bi tráng “Bà Triệu” và chỉnh sửa vở “Quẫn” với cùng phương pháp biểu hiện ước lệ để đem đến khán giả Thủ đô vào năm 2018.

Chọn một con đường mới trong lúc tình hình sân khấu đang gặp những khó khăn do nở rộ nhiều hình thức giải trí, nhưng NSƯT Trần Lực và LucTeam vẫn lấp lánh niềm tin và đầy năng lượng bước tới. Theo họ, không có gì thay thế được xúc cảm mà sân khấu mang lại, chỉ cần làm sao cho hấp dẫn mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn gió lạ của sân khấu kịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.