Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn đó nỗi lo về nghề bắt cá bằng kích điện

Đức Hải| 31/07/2012 23:20

(HNMO)- Chỉ cần một bình ắc quy 12V, cộng thêm bộ kích điện, 2 cái cần dẫn điện, cái giỏ là đã đủ bộ đồ nghề của một người đi bắt cá bằng xung điện (kích điện). Đối với nhiều người thì việc đánh bắt cá bằng xung điện là một nghề “kiếm cơm” hàng ngày, nhưng không ít người chỉ coi đó như một trò tiêu khiển, lúc rảnh rỗi đi kiếm con cá, con tôm về cải thiện bữa ăn gia đình.


“Làng nghề” kích điện
Không phải đến tận bây giờ người ta mới biết đánh bắt cá hay thủy sản bằng kích điện. Cách đây khoảng hai chục năm nó đã xuất hiện tại nhiều vùng quê khi đời sống kinh tế bắt đầu có phần được cải thiện, nguồn điện sinh hoạt dần tương đối ổn định. Thời điểm đó, việc mua sắm một bình ắc quy, bộ kích điện không còn là quá khó khăn đối với nhiều gia đình ở nông thôn. Đã có thời điểm ở khu vực ngoại thành Hà Nội rộ lên “phong trào” dùng kích điện để đánh bắt cá. Bây giờ, tuy không rộ như vài năm trước, nhưng tại các làng quê ngoại thành việc dùng xung điện để bắt cá vẫn còn. 

Chỉ cần một bình ắc quy, bộ kích điện,... là có thể đi bắt cá

Trong số những làng quê “nổi tiếng” về hành nghề bắt cá bằng kích điện ở ngoại thành Hà Nội, có lẽ phải kể đến thôn Siêu Quần, huyện Thanh Trì. Không chỉ “nổi tiếng” về số lượng người coi đây là nghề mưu sinh, mà làng quê này còn “nổi tiếng” về sự chuyên nghiệp trong nghề này. Vốn là làng quê thuần nông, đất chật người đông, đàn ông trong làng nổi tiếng là chịu khó, yêu vợ thương con nên họ lăn lộn tìm mọi cách để kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi cách đây khoảng 8-9 năm, cả làng có đến vài chục bộ kích điện, có gia đình cả mấy anh em đều đi đánh bắt cá bằng kích điện. Để tiện đánh bắt, họ thường đi thành từng nhóm 2-3 người và thường đi từ tối hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau về để cho phụ nữ trong gia đình kịp mang cá đi bán. Trang bị cho nghề “kiếm cơm” này cũng thật đơn giản: chỉ cần một bình ắc quy 12V, một bộ kích điện, cái giỏ hoặc thùng đựng cá, đèn chiếu sáng (nếu đi vào buổi tối) là có thể lên đường hành nghề. 

Hình ảnh quen thuộc ở hầu hết các làng quê ngoại thành Hà Nội

Anh Nguyễn Tràng Thăng- một người có hơn mười năm kinh nghiệm trong nghề ở làng Siêu Quần cho biết: Vài năm gần đây số lượng người tham gia vào nghề đánh bắt cá bằng xung điện ở quê anh giảm đi nhiều. Nguyên nhân chính là do sông ngòi, hồ ao, mương máng ngày càng ô nhiễm nặng nên lượng cá trong tự nhiên ngày thêm cạn kiệt, thu nhập từ nghề không còn hấp dẫn như những năm trước. Bởi vậy, nhiều người trước đây làm nghề đã chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn như đi buôn bán tôm, cá hoặc gia cầm. Số người còn lại, trong đó có anh, do điều kiện không chuyển đổi được nghề đành phải “bám” lấy nghề đánh bắt cá bằng xung điện nhằm trang trải sinh hoạt cho gia đình dù có ngày chỉ được vài chục nghìn.

Theo anh Thăng, do nguồn cá tự nhiên ở quanh vùng ngày một han hiếm nên những người hành nghề kích điện như anh thường phải đi xa nhà hàng chục cây số. Do vậy, vài năm gần đây, họ không đi thành từng nhóm và thường ít đi về đêm mà chủ yếu đi vào ban ngày vì phải rong ruổi với chiếc xe cà tàng khắp mọi nơi để tìm “nguồn” cá.

Hủy hoại môi sinh
Trên thực tế, hiện chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng là đã có thể mua được một bộ đồ nghề đánh bắt cá bằng xung điện (bình ắc quy, bộ kích điện). Trao đổi với một số người có thâm niên trong nghề này, được biết, bất cứ cá to hay nhỏ khi gặp phải nguồn xung điện đều nằm đơ như chết, người gí điện chỉ việc nhặt và bỏ vào giỏ.

Hầu hết những người dùng kích điện để đánh bắt thì không chỉ có cá, tôm mà họ tận thu tối đa “chiến lợi phẩm” trong quá trình “tác nghiệp” như rắn, lươn, ếch, nhái. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả, việc dùng kích điện (xung điện) vào đánh bắt cá vô hình trung đã góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường, trong đó có việc tiêu diệt nhiều loài vi sinh vật trong nước.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tháng 2-2012, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về: Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ; tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đánh bắt cá bằng kích điện là hủy hoại môi trường sống của nhiều loài thủy sinh

Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn trực thuộc kiểm tra, rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân cam kết không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý, tịch thu phương tiện và phạt hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đó nỗi lo về nghề bắt cá bằng kích điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.