Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cơn địa chấn" mới ở Trung Đông

Quỳnh Dương| 12/06/2017 06:12

(HNM) - Một tuần đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bùng phát do 4 quốc gia gồm Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Đến nay, căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt mà thậm chí còn có chiều hướng gia tăng sau khi thêm 5 quốc gia nữa cũng đưa ra quyết định tương tự. Quan ngại căng thẳng leo thang đến mức Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phải lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tại khu vực.

Người dân Qatar đổ xô đi mua lương thực tích trữ tại siêu thị khiến nhiều kệ hàng trống trơn.


Hiện Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan với Qatar vào danh sách khủng bố. Ba quốc gia vùng Vịnh cho người dân và du khách Qatar thời gian là hai tuần để hồi hương. Trong khi đó, các chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways đến hoặc bay qua không phận Saudi Arabia, UAE, Bahrain và cả Ai Cập đều bị cấm. Người mang hộ chiếu Qatar thậm chí không được phép quá cảnh tại sân bay Dubai và Abu Dhabi của UAE. Điều này đã khiến nhiều gia đình bị ly tán và các kết nối thương mại bị gián đoạn.

Trên thực tế, việc các nước Ả rập, do Saudi Arabia dẫn đầu, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar chỉ được xem là “giọt nước tràn ly” vì giữa Doha với những người láng giếng vốn âm ỉ căng thẳng nhiều năm qua. Là quốc gia khiêm tốn về diện tích và dân số, Qatar giàu nhờ trữ lượng dầu mỏ, khí đốt phong phú, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân gần 75.000 USD/người. Với tiềm lực đó, Qatar không chấp nhận vị thế của nước nhỏ, thường tìm cách gia tăng tiếng nói trên nhiều diễn đàn của khu vực.

Theo các nhà phân tích, vai trò ngày càng được chú trọng của Qatar cùng một số chính sách không tương đồng với các nước lớn trong khu vực là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng. Lâu nay, nhiều thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm nổi dậy cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan ở Libya, Ai Cập, Syria, Yemen, Tunisia...

Chính quyền Saudi Arabia và UAE cũng tỏ ra không hài lòng với chính sách đối ngoại của Qatar, nhất là ý định muốn tăng cường quan hệ với Iran. Có thể hiểu, đây là sự cạnh tranh giữa Saudi Arabia cùng nhiều quốc gia đồng minh theo dòng Hồi giáo Sunni với Iran - quốc gia do người theo dòng Hồi giáo Shiite nắm quyền. Iran cũng là đối thủ chính của Saudi Arabia trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ. Vì thế, không có gì bất ngờ khi điều kiện đầu tiên mà Saudi Arabia đưa ra để bình thường hóa quan hệ là Qatar phải cắt đứt mọi liên hệ với Iran.

Trong bối cảnh xung đột ở Syria vẫn chưa tìm được lối thoát, cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, giới quan sát lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Ả rập là diễn biến bất lợi và tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho tình hình Trung Đông. Nguy cơ đáng lo ngại nhất là những căng thẳng sẽ mở đầu cho một cuộc chiến quyết liệt hơn trong thế giới Ả rập ở vùng Vịnh, giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.

Căng thẳng hiện nay cũng có thể khiến Qatar và các quốc gia láng giềng thiệt hại hàng tỷ USD do các hoạt động thương mại, đầu tư bị đình trệ. Việc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cũng lập tức gây ảnh hưởng tới kinh tế nước này do giao thương phụ thuộc nhiều vào “hàng xóm” từ nhiều năm qua. Hiện nay, cửa khẩu đất liền duy nhất với Saudi Arabia đã bị đóng, làm tê liệt vận chuyển hàng hóa và ảnh hưởng tới 40% nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu cần thiết cho các dự án hạ tầng ở Qatar.

Đây không phải lần đầu tiên khủng hoảng ngoại giao xảy ra tại vùng Vịnh. Tranh cãi giữa Qatar và các nước GCC từng xảy ra năm 2014 và được giải quyết 9 tháng sau đó. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, bất đồng lần này được ví như "cơn địa chấn" vì nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu cuộc khủng hoảng không được hạ nhiệt, khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục phải hứng chịu những hệ lụy khôn lường từ bất ổn và chia rẽ lan rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cơn địa chấn" mới ở Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.