(HNM) - Chuyện cả hai lực sĩ Việt Nam cùng giành huy chương khi tham dự hạng 56kg Giải vô địch cử tạ Châu Á 2013 mới kết thúc ở Kazakhstan, đã mang về niềm vui và cả những điều khó xử trong cách đầu tư cho các vận động viên ở hạng cân này của cử tạ Việt Nam.
Khi em vượt anh
Trước khi dự giải, danh sách vận động viên dự hạng cân 56kg của đội tuyển cử tạ Việt Nam không làm ai bất ngờ. Vẫn Trần Lê Quốc Toàn, hạng tư Olympic 2012 và đàn em Thạch Kim Tuấn, nhà vô địch Olympic trẻ năm 2010. Nếu Trần Lê Quốc Toàn đã được dự báo là sẽ không đạt thành tích cao tại giải năm nay do chấn thương đầu gối chưa hoàn toàn bình phục thì Thạch Kim Tuấn lại là ẩn số. Lực sĩ này dù có tên trong đội tuyển quốc gia nhưng lại tập trung ở TP Hồ Chí Minh dưới sự dẫn dắt của HLV nội. Không có sự dẫn dắt của chuyên gia Bulgaria như trường hợp Quốc Toàn, lại thường mắc vấn đề tâm lý ở các cuộc đấu lớn nên không ai đặt kỳ vọng vào thành tích của Thạch Kim Tuấn.
Cuối cùng, khi đàn anh Trần Lê Quốc Toàn chỉ giành 2 HCĐ (cử đẩy: 155kg, tổng cử: 275kg) thì Thạch Kim Tuấn lại giành tới 3 HCB (cử giật: 125kg, cử đẩy: 156kg, tổng cử: 281kg). Chỉ số thành tích ở nội dung tổng cử bao giờ cũng được đánh giá cao hơn bởi tại các đại hội thể thao quốc gia, người ta chỉ phân định huy chương dựa trên tổng cử của VĐV. 281kg là thành tích tốt nhất của Thạch Kim Tuấn từ trước đến nay, vượt thành tích đoạt HCV SEA Games 261kg và chỉ kém thành tích tốt nhất của Trần Lê Quốc Toàn có 3kg. Dân trong nghề nhận định, một khi đã qua được mức 280kg thì Thạch Kim Tuấn hoàn toàn có thể vươn đến những mức tạ cao hơn. Và với thành tích này, Thạch Kim Tuấn trở thành đối thủ thực sự của Trần Lê Quốc Toàn ở hạng 56kg.
"Cơn đau đầu dễ chịu" cho các nhà quản lý?
Từ đầu năm 2013, giới chuyên môn và quản lý cử tạ Việt Nam vẫn quyết chọn mặt gửi vàng vào Trần Lê Quốc Toàn. Ngay cả chuyên gia người Bulgaria được thuê huấn luyện đội tuyển quốc gia cũng tập trung nhiều hơn cho Trần Lê Quốc Toàn để nhắm tới những mục tiêu xa hơn như ASIAD 2014, Olympic 2016. Còn phương án Thạch Kim Tuấn ít được đả động tới. Không ít lần, Thạch Kim Tuấn bị nghi ngờ về sự phát triển thành tích ở hạng 56kg do cao hơn mức bình thường của các lực sĩ hạng này. Bởi muốn thi đấu ở hạng 56kg, Thạch Kim Tuấn sẽ phải ép cân nhiều hơn và đương nhiên mất sức nhiều hơn.
Cũng vì thế, không ai quá sốt ruột khi Thạch Kim Tuấn cứ tập trung đội tuyển quốc gia tại chỗ ở TP Hồ Chí Minh cùng thầy ruột Huỳnh Hữu Chí. Khả năng Thạch Kim Tuấn đoạt huy chương ở giải Châu Á lần này cũng được đặt ra nhưng ít ai ngờ lại ấn tượng đến vậy. Ngay cả đàn anh Hoàng Anh Tuấn cũng nhận định rằng: "Có thể đến lúc này, sự phát triển về cơ thể của Thạch Kim Tuấn đã thích nghi được hoàn toàn với hạng 56kg nên chiều cao không còn là vấn đề quá nghiêm trọng. Khả năng Tuấn đạt tổng cử 285kg khi thi đấu hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi khi đã đạt đến mức 281kg thì sự tự tin ở Thạch Kim Tuấn sẽ tăng lên đáng kể và em có thể tự làm chủ cuộc chơi". Tất nhiên, để chứng tỏ điều đó, Thạch Kim Tuấn còn phải chứng tỏ nhiều về bản lĩnh thi đấu trước những đối thủ nhiều "chiêu trò", trong đó có Hoàng Anh Tuấn.
Và nếu lực sĩ TP Hồ Chí Minh cứ giữ vững đà phát triển như trong thời gian qua (cuối năm 2012 đạt tổng cử 275kg ở giải trẻ Châu Á, 6 tháng sau đạt 281kg ở Giải vô địch Châu Á) thì Thạch Kim Tuấn sẽ đặt các nhà quản lý trước bài toán khó về lựa chọn nhân sự trước mỗi kỳ đại hội thể thao lớn như ASIAD hay Olympic (nơi mỗi quốc gia chỉ được cử 1 lực sĩ). Có nên gọi đó là "cơn đau đầu dễ chịu"?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.