(HNM) - Tại diễn đàn về
Sở dĩ nói thị trường di động năm 2010 cạnh tranh không căng thẳng là vì trong năm 2009, làng di động đón thêm 2 "tân binh" Beeline và Vietnamobile (hoạt động trở lại sau khi chuyển đổi công nghệ sang GSM). Khi mới ra đời, các nhà mạng mới đã liên tiếp đưa ra các chương trình được coi là "gây sốc", như Beeline với gói cước 0 đồng - miễn phí gọi nội mạng sau phút đầu tiên, Vietnamobile trò chuyện nội mạng thoải mái… Cả 2 "tân binh", nhất là Beeline đã đặt 3 "đại gia" (Viettel, Mobifone và Vinaphone) vào thế "ngồi trên lửa". Không thể "bình chân như vại" được nữa, cả 3 nhà mạng trên liên tiếp đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng: sim mới có tài khoản nhân ba, tặng đến 170% giá trị thẻ nạp. Đồng thời, các đại gia này cũng lo ngại rằng thị trường di động Việt Nam sẽ bị cuốn theo cuộc cạnh tranh về giá dẫn đến giảm doanh thu, lợi nhuận… Đương nhiên, trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, các mạng nhỏ dù cố sức đầu tư để thu hút thuê bao cũng chỉ khiến các mạng lớn lúng túng đôi chút, bởi trong tay họ đã có hàng chục triệu thuê bao, tiềm lực tài chính mạnh, trong khi mạng nhỏ vừa chân ướt chân ráo vào thị trường và nếu không đủ vốn để chạy đua, sẽ cầm chắc phần thiệt. Tuy nhiên, kết quả cụ thể thế nào, chỉ có "người" trong cuộc mới biết. Sau gần 1 năm tham gia cạnh tranh, các mạng mới khá vất vả trong việc "giữ chân" thuê bao và lượng thuê bao chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn: Vietnamobile khoảng hơn 3 triệu (theo số liệu tại thời điểm tháng 4-2010 của Bộ TT-TT), Beeline thì ít thuê bao đến nỗi được cơ quan quản lý bỏ qua việc kiểm tra lượng thuê bao trả trước như kế hoạch ban đầu… Các mạng như S-Fone, EVN Telecom cũng gặp khó khăn tương tự. Lượng thuê bao ít, đương nhiên doanh thu không cao và lợi nhuận cũng chỉ khiêm tốn, khó duy trì tiềm lực để tái đầu tư trở lại. Đó cũng là lý do hãng nghiên cứu Frost & Sullivan nhận định cuộc cạnh tranh năm 2010 không còn gay gắt.
Khách hàng tìm hiểu dịch vụ của mạng viễn thông Beeline.
Không còn cạnh tranh quyết liệt như năm 2009 vì đang gặp khó khăn, tương lai của các nhà mạng di động mới sẽ như thế nào? Liệu thời điểm mà các chuyên gia dự báo các mạng nhỏ hoặc phải tự tuyên bố đóng cửa, hoặc buộc phải sáp nhập đã đến gần? Đại diện của hãng nghiên cứu này cho biết, vẫn còn "đất" cho các mạng nhỏ và mạng mới phát triển. Bởi tuy theo thống kê của Bộ TT-TT, hết tháng 8-2010, cả nước có hơn 156 triệu thuê bao điện thoại các loại, trong đó thuê bao di động là hơn 140 triệu (nhiều hơn gần 2 lần số dân), nhưng hơn 140 triệu thuê bao di động đó, phần lớn là sim di động chứ không phải là thuê bao. Có quá nhiều thuê bao ảo, khiến cho việc xác định đâu là số khách hàng thực của mỗi mạng di động không đơn giản. Trong số gần 87 triệu dân hiện nay, đã có bao nhiêu người sử dụng di động, bao nhiêu người đã dùng di động sử dụng 2 sim liên lạc? Đó là câu hỏi và là đích nhắm để các mạng di động "vét" nốt số khách hàng còn lại.
Theo các chuyên gia, thị trường di động chỉ bão hòa ở các khu vực thành phố, còn nông thôn vẫn là đất hứa cho các nhà mạng, nhất là mạng nhỏ, mạng mới. Bên cạnh đó, để cạnh tranh, các nhà mạng nhỏ nên chia phân khúc thị trường và có kế hoạch khai thác một phân khúc nhất định. Chẳng hạn, các nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước chưa khai thác tốt việc cung cấp các dịch vụ nội dung, dịch vụ dữ liệu cho khách hàng. Nên chăng nhà mạng nhỏ tập trung phát triển lĩnh vực này…?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.