Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn có những tấm lòng!

Hà Trang| 07/11/2010 08:21

(HNM) - Một tuần trước ngày TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người (11-11), tôi về Hải Phòng. Biết tôi về nhà Nghĩa, nhiều đồng nghiệp nhắn tin khuyên: Còn gì mà viết, mọi chuyện đều rõ ràng, các báo


Nghe vậy, đã có lúc tôi định quay lại, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết tâm tìm đến cái ngõ ấy, ngôi nhà ấy. Và khi tôi đến, bà Chuân vừa đi khám bệnh về.

Căn nhà đong đầy nước mắt


Mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa cố gắng nén nỗi đau và luôn cúi mặt tránh cái nhìn của mọi người.

Nhà bà Chuân nằm giữa con ngõ nhỏ của một khu tập thể công nhân, mỗi căn hộ rộng chừng 30m2, thấp lè tè và cũ kỹ.

- Em vừa mượn được xe máy, đưa mẹ đi chụp não ở bệnh viện, nhưng đến muộn không chụp được. Chân và đầu mẹ em bị đau, chẳng biết có sao không, nói đi chụp chữa bà không chịu, bảo đợi lo việc cho thằng Nghĩa xong đã. Hôm nay đau quá, mới chịu cho chở đi khám - Chị của Nghĩa nói với tôi, rồi lại bươn bả ra UBND phường xin xác nhận gì đó, chuẩn bị cho phiên xét xử em trai sắp tới.

Nhìn bà Chuân tiều tụy tựa vào cô con gái, chân đi khập khiễng, mặt còn nguyên vết xước dài mới khô máu do tai nạn giao thông, tay run run bám bậu cửa lần từng bước vào nhà, tôi chợt nghĩ, không biết giờ này trong trại giam Nghĩa đang làm gì? Liệu Nghĩa có biết, những ngày này với mẹ mình thực sự là đọa đày, là tột cùng của đau khổ, sống mà như đã chết hay không?

Nói là lo cho con chứ bà Chuân lúc này đứng còn chẳng vững, bị choáng và ngất liên tục, mắt mờ đục không nhìn rõ. Mọi việc lo liệu cho con trai trước đây đều do chồng là ông Hùng cáng đáng, bà không biết gì ngoài việc chăm sóc chồng con. Sau khi chồng chết do tai nạn giao thông vào tuần trước, động lực duy nhất để bà Chuân cố sống là hy vọng con trai bà được giảm án. Bà đã viết lá đơn gửi các cơ quan chức năng, trong đó có đoạn: “Định mệnh đã lấy đi người chồng của tôi. Còn người con trai duy nhất của gia đình tôi chỉ biết khẩn cầu tới các quý cơ quan xem xét để cho con trai tôi có cơ hội được sống, để tôi còn có được động lực sống nốt thời gian cuối của cuộc đời”. Bà nói với hàng xóm, nếu thằng Nghĩa bị xử y án, chắc bà không thể sống nổi. Một ngày đợi tòa xử phúc thẩm ở nhà bà Chuân trôi qua dằng dặc, nặng nề. Mỗi bữa ăn, bưng bát cơm lên, bà nhớ chồng, thương con, nước mắt cứ trào ra, không thể nuốt nổi. Bà Chuân khóc, con gái khóc, những người họ hàng đến giúp đỡ cũng khóc. Mâm cơm đong đầy nước mắt...


Cha của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa (phải) xin lỗi cha của Nguyễn Phương Linh.

Sợ gợi thêm nỗi đau của gia đình, tôi xin phép thắp một nén nhang cho ông Nguyễn Đức Hùng. Ông ra đi quá đột ngột khi đang đôn đáo ngược xuôi lo việc cho con trai, dốc hết sức lực với ước vọng mong manh là con mình được giảm án, không phải chịu tội tử hình. Nhưng mọi thứ đều dang dở. Hẳn là trước khi nhắm mắt ông còn day dứt lắm bởi lần cuối cùng khi Nghĩa phạm tội về nhà, xin ngủ cùng nhưng ông đã không đồng ý. Những ngày sau, khi Nghĩa bị cơ quan công an bắt, điều này làm ông ân hận lắm. Ông tâm sự với mọi người, giá như lúc đó hai bố con ngủ cùng nhau, có khi Nghĩa đã thú tội và sáng hôm sau ông đã đưa Nghĩa ra trình diện. Sau khi con bị tuyên phạt tử hình, ông đã nhiều lần lên Hà Nội, khuyên con viết đơn kháng án với hy vọng kéo dài sự sống của con trai. Ông lặn lội ngược xuôi tìm luật sư bào chữa, thức trắng nhiều đêm để viết lá thư xin lỗi đẫm nước mắt gửi gia đình nạn nhân...

Là chỗ dựa của gia đình, bề ngoài ông Hùng luôn cố tỏ ra cứng rắn, nhưng bên trong thì chết từng khúc ruột. Tôi còn nhớ, khi nhận xét về ông, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người nhận bào chữa cho Nghĩa nói rằng: Tiếp xúc với ông Hùng, tôi đặc biệt kính trọng ông, một người cha hết mực yêu thương con. Tôi coi việc bào chữa cho Nghĩa ở phiên phúc thẩm tới đây như một nén nhang gửi đến linh hồn một người cha đáng thương, đáng kính trọng.

Nhìn khói hương bảng lảng, nhìn di ảnh của ông Hùng, trong đầu tôi lại vang lên những câu mà người ta thường đọc cho nhau nghe vào mỗi dịp Lễ Vu lan - Báo hiếu: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha... Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn. Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”. Nói về nỗi đau của gia đình mình trước hậu quả tày trời mà Nghĩa gây ra, ông Hùng đã nhiều lần giãi bày với cánh phóng viên: “Xét về nỗi đau thì chúng tôi đều có những nỗi đau riêng. Gia đình cháu Phương Linh đau đớn vì mất con. Gia đình cháu Yến đau khổ vì vô tình trở thành nạn nhân của Nghĩa. Với gia đình tôi, Nghĩa đến giờ phút này vẫn còn sống nhưng thực chất chỉ còn phần xác, chứ phần hồn thì đã chết rồi. Một người sống mà như đã chết, sống trong sự dằn vặt của lương tâm, đối diện với sự lên án của xã hội thì đau đớn nào bằng?”. Với xã hội, Nghĩa là kẻ có tội, nhưng với ông bà Chuân, đó là đứa con trai ông bà hết mực thương yêu và hy vọng. Những cố gắng, khát khao, cả hy vọng mong manh của ông Hùng, là tình phụ tử, nghĩa cha con, thăm thẳm, vời vợi…

Bà Chuân nghẹn ngào: “Trên đời, liệu có nỗi đau nào bằng việc cha chết mà con không được biết, không được đưa cha đến nơi an nghỉ cuối cùng?”. Bà nghe báo chí nói mấy ngày nay tâm thần thằng Nghĩa không được bình thường như những ngày vợ chồng ông bà lên thăm. Mấy lần bà Chuân định lên thăm con, nhưng sợ nó không chịu đựng được khi nghe tin bố mất, bà đành gạt nước mắt, nén đau đớn, ngày đêm kêu khấn chồng phù hộ cho con trai.

Câu chuyện của tôi và bà Chuân chỉ kéo dài chừng 15 phút, liên tục bị ngắt quãng bởi bà Chuân bị choáng, khó thở. Lo cho sức khỏe của bà, tôi xin phép cáo lui. Ra đến cửa, bà Chuân còn vẫy với theo, nói trong hơi đứt quãng đầy mệt mỏi:

- Nhờ nhà báo cho tôi gửi lời cảm ơn đến những người tốt mà tôi không kịp biết tên, đã giúp gia đình tôi hết lòng khi chúng tôi bị tai nạn ở Hải Dương. Cảm ơn bà con lối xóm luôn có mặt bên tôi những ngày hoạn nạn, nếu không có họ, chắc tôi chết mất!

Những tấm lòng bao dung

Đúng như bà Chuân nói, nếu không có những người tốt xung quanh, chắc bà khó có thể đứng vững đến hôm nay. Tôi đã gặp ông Lê Đình Gia, 54 tuổi, nhà số 108 ngõ Điện nước, phường Lãm Hà (quận Kiến An, Hải Phòng); ông Phạm Văn Quảng, Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Lãm Hà - nơi gia đình ông Hùng, bà Chuân ở và nhiều người hàng xóm khác... Tất cả đều quá bất ngờ và đau xót, cảm thông với những gì gia đình bà Chuân đang phải gánh chịu. Nhiều ông, bà cùng tổ dân phố tâm sự: “Chuyện gì đi chuyện đó, ai gây tội thì phải chịu tội, nhưng gia đình bà Chuân là gia đình nền nếp, sống hòa thuận và luôn giúp đỡ những người xung quanh, chính vì vậy, khi bà Chuân gặp nạn, chúng tôi xúm vào giúp là nhẽ thường tình”. Khi thằng Nghĩa bị bắt, nhiều người sang thăm hỏi, động viên ông Hùng, bà Chuân giữ sức khỏe để lo cho con. Khi ông Hùng đột ngột qua đời, hàng xóm lại tất tả người dựng rạp, lo gọi đội tang lễ, người lo chỗ chôn cất... Bà con coi như việc của nhà mình.

Biết hy vọng mong manh của bà Chuân, sự bấu víu cuối cùng để cứu sự sống của con trai là được phía gia đình bị hại xin giảm án cho Nghĩa, một số người hàng xóm của bà Chuân kể cho tôi biết là họ đã tự tìm tài liệu về các vụ án giết người do tòa án xét xử những năm qua mà gia đình bị hại đã xin giảm án cho bị cáo. Họ đưa ra những ví dụ như vụ án do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử mới đây, mẹ của nạn nhân Nguyễn Kim Tiến đã xin giảm án cho những kẻ đã đánh đập dã man khiến con mình phải chết. Bà nói: “Có gia đình nào mất con mà không đau đớn. Nhưng chúng tôi muốn lấy ơn báo oán bởi chúng tôi biết cha mẹ các bị cáo ở đây cũng chẳng sung sướng gì khi con mình phạm tội ác tày trời”. Hay như vụ án bị cáo Phạm Văn Thắng phạm tội giết người, TAND TP Hà Nội mới xét xử, bố của nạn nhân cũng đã xin giảm án cho Thắng với lý do: - “Con tôi đã mất rồi, nỗi đau này không gì bù đắp nổi và có làm gì đi nữa, con tôi cũng không sống lại được. Vì vậy, tôi mong Thắng sẽ có cơ hội được giảm án để làm lại cuộc đời”. Rồi chuyện người cha một nạn nhân xin cho bị cáo Nguyễn Thế Năng giảm án tại phiên tòa do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử. Trước tòa ông nói: “Vì tình thương yêu đối với con, tôi không bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con gái mình. Nhưng một lần nói chuyện với mẹ Năng qua điện thoại, bà ấy bảo: “Không có người mẹ nào có thể chịu được hình ảnh người ta cột con mình vào một cái cây để bắn. Như thế, thà tôi chết trước còn hơn”. Vậy là tôi quyết định, dù điều đó thật không dễ với tình cảm của tôi cùng sự phản đối quyết liệt của gia đình”. Để có thể dự phiên tòa, ông phải dậy từ 3 giờ sáng, một mình đi xe máy từ Kiên Giang lên TP Hồ Chí Minh. Có người khuyên ông chỉ cần viết một lá đơn xin miễn tội chết cho Năng gửi đến tòa là đủ, khỏi phải lặn lội, ông lắc đầu: “Giúp người phải giúp cho trót. Tôi phải lên đây nói cho rõ, may ra tòa mới tin mà xem xét cho nó. Mong là nó biết hối lỗi, biết thương mẹ mà sống có ích”...

Ông Gia, ông Quảng tâm sự: Mình không vào hoàn cảnh gia đình bị nạn, nên không thấu hiểu hết nỗi đau. Nhưng người Việt chúng ta vừa trọng lý, vừa trọng tình. Chẳng ai muốn cái ác tồn tại, nhưng lòng người bao dung thì không có giới hạn. Tha thứ, đâu có nghĩa là chấp nhận và dung dưỡng cái ác, mà là cho người ta cơ hội, quay đầu làm lại.

Nghe chuyện của hàng xóm kể, bà Chuân chỉ khóc ròng, với bà bây giờ, đó đang là những câu chuyện cổ tích.

Ông Quảng kể thêm rằng, những người dân ở ngõ nhỏ này sợ nhất những khi tòa chuẩn bị xét xử thằng Nghĩa, khi ông Hùng bị tai nạn giao thông..., bọn trẻ bán báo dạo cứ oang oang, chĩa tiếng loa rao những ngôn từ kinh dị, giật gân, vô cảm..., như khoét sâu vào nỗi đau của gia đình người ta. Không ít lần ông Quảng và nhiều người dân khác đã phải ra nói với những người bán báo: “Ở đây, nỗi đau đã quá đủ rồi, xin đi chỗ khác mà rao bán cho chúng tôi nhờ”.

Vài ngày nữa vụ án Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người sẽ được xét xử phúc thẩm. Nhiều người nói, trước phiên tòa, nếu như gia đình bị hại xin giảm án cho Nghĩa, may ra nó còn cơ hội sống. Những người khác lại nói, dù được xin giảm án, chưa chắc Nghĩa thoát khỏi án tử hình vì tội của nó nặng thế cơ mà. Không ít người nghĩ rằng, khi biết tin cha chết, mẹ đã đau đớn, sống dở, chết dở vì mình, cùng sự dằn vặt lương tâm mỗi ngày về tội ác tày trời... có may mắn được sống cũng là cực hình khủng khiếp.

Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa được dư luận đặc biệt quan tâm, báo chí phản ánh khá tỉ mỉ suốt một thời gian dài. Không ít bài báo mô tả vụ án ly kỳ như phim kinh dị... Nhưng rồi qua thời gian, câu chuyện cũng dần chìm dòng chảy ào ạt của cuộc sống. Nỗi đau của cả hai phía gia đình bị cáo và bị hại có thể cũng lắng dần theo năm tháng. Nhưng có một điều chắc chắn đọng mãi là tình hàng xóm tắt lửa tối đèn, tình người khi hoạn nạn có nhau sẽ còn được lan truyền, cùng với những bài học về đạo nghĩa cha con, đạo làm người sẽ được nhắc mãi.

Tôi rời con ngõ nhỏ ở phường Lãm Hà lúc trời nhá nhem tối. Gió mùa đông bắc lùa về lạnh tê lòng. Ánh đèn từ những căn nhà công nhân nghèo hắt ra le lói. Đêm xóm thợ có người hàng xóm đang phải chịu nỗi đau tột cùng: chồng mất, con bị tuyên án tử hình như dài hơn. Tuy vậy, nhiều người vẫn tin: ở trên đời còn có những tấm lòng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn có những tấm lòng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.