(HNM) - Từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (ngày 1-1-2010) đến nay, có 37/63 tỉnh, thành phố chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những nơi tiếp nhận nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) như Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Bình Dương…
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, sau hơn ba năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), cả nước mới thụ lý 182 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết 137 vụ việc, chi trả bồi thường hơn 23 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực quản lý hành chính thụ lý 56 vụ việc yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 41 vụ việc; lĩnh vực thi hành án dân sự thụ lý 27 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc. Đáng lưu ý, mặc dù Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Bình Dương là những địa phương trình độ dân trí cao, thường xuyên tiếp nhận lượng đơn, thư KNTC về đất đai khá lớn nhưng lại nằm trong số 37 tỉnh, thành phố chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào… Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường. Có vụ việc giải quyết mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan chức năng về công tác kê biên hai tàu cá mãi chưa xong. Có lẽ, công tác bồi thường còn nhiều thủ tục rườm rà, lại chậm chi trả khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan thụ lý.
Vấn đề này, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định, không phải trên địa bàn thành phố không phát sinh những mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan nhà nước. Thực tế, đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân nhưng chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước đã chủ động áp dụng nhiều hình thức tự thương lượng, khắc phục hậu quả nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn, vụ bà Birgit Schauer (quốc tịch Đức) khởi kiện hành chính yêu cầu Cục Thuế Hà Nội hoàn thuế thu nhập cá nhân và bồi thường chi phí đi lại 50 triệu đồng. Sau khi được giải quyết thỏa đáng, bà Birgit Schauer đã rút đơn khởi kiện… Tuy nhiên, trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ, công chức (CBCC) gây phiền hà cho người dân nhưng người dân không mời luật sư bảo vệ quyền lợi của mình vì cho rằng quy trình giải quyết quá nhiêu khê.
Đùn đẩy trách nhiệm
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) thừa nhận, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng khi giải quyết yêu cầu về bồi thường. Bất cập nhất hiện nay là Luật TNBTCNN quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Tuy nhiên, luật chỉ quy định liệt kê một số trường hợp nhất định trong từng lĩnh vực đó mà không phải là tất cả các hành vi có sai phạm. Do đó, vẫn còn có những trường hợp mặc dù thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN nhưng lại không được bồi thường.
Mặt khác, Điều 4 của luật quy định, việc xác định TNBTCNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Trong khi đó, để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục KNTC và "con đường gian khó" này mất khá nhiều thời gian. Việc quy định như vậy đã đặt thêm điều kiện thủ tục cho người bị thiệt hại so với quy định của Bộ luật Dân sự, khiến một bộ phận người dân vốn đã có tâm lý ngại "đối đầu" với chính quyền, càng nản chí kiện tụng.
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực tố tụng, ngay cả khi Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an đã xem xét giải quyết bồi thường với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng, song Nhà nước chưa thu được một khoản tiền hoàn trả nào của người thi hành công vụ. Sở dĩ có tình trạng này là do Luật TNBTCNN quy định việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước đã chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng thiếu chế tài vận dụng xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số cơ quan, tổ chức "nhờn luật". Kết quả khảo sát tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự cho thấy, có 4,2% CBCC thuộc các cơ quan thi hành án dân sự không biết đến Luật TNBTCNN. Một số cơ quan đến nay vẫn chưa triển khai luật thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.
Trước những khó khăn của người bị thiệt hại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết, dự kiến trong quý I năm 2014, Bộ sẽ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16-2010 liên quan đến các quy định về căn cứ xác định mức hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan "vá" những lỗ hổng pháp lý về bồi thường để bảo đảm hơn nữa quyền công dân và tránh khiếu kiện kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.