Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơm không lành, canh không ngọt”

Đặng Loan| 14/07/2012 07:09

(HNM) - Tại các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh, hàng Việt đang chiếm đến hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn than rằng, kiếm được một "góc" trong siêu thị rất "trần ai"…

Việc đưa hàng nội vào bày bán tại các siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. 
Ảnh: Vũ Lê

DN Việt "kêu" bị ép

Theo ông Hoàng Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu The Pathfinder, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, đến hơn 20%/năm. Trong đó siêu thị phát triển nhanh nhất với 27%/năm. Thế nên việc đưa được sản phẩm của mình vào kênh phân phối này là đích nhắm của phần lớn DN.

Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt Nam đều than khó khi muốn đưa hàng của mình vào siêu thị. Một số siêu thị có những điều khoản mà phần thiệt thuộc về nhà cung cấp như phải đóng phí 7-8 triệu đồng khi đưa một mặt hàng vào, dù chưa biết sản phẩm đó có bán được hay không. Mặt khác, theo giám đốc một cơ sở sản xuất và kinh doanh nước mắm cho biết, có siêu thị đòi chiết khấu lên đến 20%, nếu phải vận chuyển từ Nam ra Bắc thì chi phí này có thể lên đến 30%, coi như hết lãi. Chưa kể, có những siêu thị lại buộc chiết khấu năm sau cao hơn năm trước. Nhiều DN nội còn cho hay, sản phẩm của họ hay bị đánh bật ra khỏi kênh phân phối siêu thị do có sự ưu ái sản phẩm của các công ty đa quốc gia "mạnh về gạo, bạo về tiền".

Ngay cả khi hàng hóa đã "lọt" vào siêu thị thì DN cũng chưa thể an tâm. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food, sau khi đưa hàng vào được một thời gian siêu thị lại dời hàng vào vị trí không đẹp để trưng hàng mới... Một DN trong lĩnh vực thực phẩm cũng than thở rằng, ngoài những khoản trong hợp đồng còn phải tốn rất nhiều phí "ngoại giao" như "chăm sóc" các trưởng ngành hàng, nhân viên phụ trách quầy để hàng được trưng bày chỗ tốt, không bị bỏ bê. Mặc dù "trần ai" vậy, các DN vẫn thừa nhận họ vẫn phải "xếp hàng" để được ký hợp đồng, vì vào được siêu thị là quảng bá được hình ảnh sản phẩm, là phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng phát triển chung của xã hội.

Siêu thị: Luôn công bằng với mọi nhà cung cấp

Trong khi các DN "tố khổ" thì đại diện các siêu thị lại cho rằng họ không phân biệt nhà cung cấp nào. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Siêu thị Saigon Co.op cho biết, đơn vị này luôn có chính sách ưu tiên hàng nội nên không có chuyện thiên vị các nhãn hàng lớn mà o ép các DN Việt. Tuy nhiên, nhà bán lẻ nào cũng phải vì lợi ích khách hàng nên hàng hóa muốn vào Co.opMart phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, nhu cầu của khách hàng. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại của hệ thống Siêu thị BigC cho biết, ngoài việc đáp ứng các điều kiện thì để người tiêu dùng được lợi, hệ thống này sẽ ưu tiên những nhà phân phối vừa có giá tốt vừa có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tất nhiên đó sẽ là thế mạnh của các nhãn hàng lớn và là cái khó của DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Mặt khác, theo bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng Giám đốc hệ thống Siêu thị Maximark, hàng hóa ngoài chợ thường không có hóa đơn chứng từ, còn khi bán trong siêu thị đương nhiên đắt hơn ít nhất 10% thuế VAT. Vì vậy các siêu thị yêu cầu giá tốt ở nhà cung cấp để có thể bán bằng giá chợ chứ không phải đề nghị thêm chiết khấu.

Đại diện các siêu thị cũng cho rằng không có việc "ưu ái" trong sắp xếp hàng hóa lên quầy kệ bởi vị trí của sản phẩm phụ thuộc vào sơ đồ của hệ thống siêu thị chứ không phải ai có nhiều tiền thì được chỗ tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt hiệu qua kinh doanh thì những mặt hàng bán chạy đương nhiên sẽ được ở vị trí tốt. Hơn thế nữa, diện tích siêu thị rất hạn chế trong khi có rất nhiều sản phẩm muốn vào nên đòi hỏi phải có sự sàng lọc lớn mà mục tiêu cuối cùng là mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với giá tương xứng.

Với ý kiến hai bên, xem ra suốt nhiều năm đồng hành, mối quan hệ giữa DN và siêu thị vẫn trong cảnh "cơm không lành, canh không ngọt".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cơm không lành, canh không ngọt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.