Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng “quyền lực mềm”

Dục Tú| 04/09/2016 06:57

(HNM) - Đầu tuần, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Thị trường văn học và Văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”.


Đó là một hội thảo lớn, quan trọng, không chỉ bởi số lượng gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học, nhà báo, nhà quản lý, mà còn bởi chủ đề được bàn luận liên quan tới sự phát triển của văn học Việt Nam trong cơ chế thị trường, vốn đang có những biểu hiện cần phải được điều chỉnh để có thể đi đúng hướng “hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc”. Cũng cần phải nói thêm rằng, đó là một hội thảo thành công, bởi đã chỉ ra được nhiều “vấn đề” của văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và ảnh hưởng, sự tác động giữa nhà văn và bạn đọc với sự hình thành xu hướng sáng tác và văn hóa đọc trong bối cảnh kinh tế thị trường, đặc biệt là với người viết trẻ và bạn đọc trẻ.

Những biểu hiện băn khoăn về văn học thị trường và thị trường văn học là điều dễ hiểu, bởi từ lâu giới nghiên cứu đã chỉ ra mối quan ngại về sự nghiêng ngả của văn học trước sức ép của thị trường, về cái gọi là “sách hay không bằng sách bán chạy”, sự thỏa hiệp ở mức độ nhất định của một số dịch giả và nhà văn trẻ trong lựa chọn tác phẩm, đề tài “nương theo” thị hiếu, giá trị thương mại thay cho giá trị nghệ thuật. Điều đó đã tạo ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng đọc, văn hóa đọc, mở ra "cơn sốt" trước những tác phẩm xa rời hiện thực,“ảo không thể tả”.

Một biểu hiện của điều nói trên là “phong trào” dịch và đọc truyện ngôn tình, truyện về đề tài tình yêu đồng tính của một số tác giả Trung Quốc - kéo dài từ hơn một chục năm trước cho tới gần đây, chỉ “hạ nhiệt” sau khi cơ quan quản lý hoạt động xuất bản có văn bản lưu ý các nhà xuất bản về hiện tượng này. Hơn một chục năm đó, từ một trào lưu dịch và đọc một loại tác phẩm văn học được giới trẻ nhiệt tình đón nhận, cho lợi nhuận cao, người ta đã phải đặt ra câu hỏi là văn trẻ Việt Nam có bị “ngôn tình hóa” hay không? Và, một khi có nhiều nhà văn trẻ chịu sự ảnh hưởng của trào lưu đó, kho tàng văn học nay mai có gì để lại cho hậu thế?

Văn học không thể đứng bên ngoài quy luật thị trường. Nhưng, với tư cách là một loại hàng hóa đặc biệt, những cuốn sách không chỉ được xem xét ở khía cạnh thương mại, mà cần được đánh giá về giá trị nghệ thuật và lợi ích mà nó mang lại cho bạn đọc nói riêng và xã hội nói chung. Sở thích đọc, cách lựa chọn chủ đề cũng như tác phẩm văn học để đọc, dịch hoặc sáng tác là quyền của mỗi người, không ai có thể áp đặt, nhưng chúng ta có thể tác động vào quá trình đó, nhằm bảo đảm cho bạn đọc tiếp cận rộng rãi với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có nội dung tốt, thay vì chìm đắm trong sướt mướt, ủy mị, xa rời hiện thực.

Tác động tới quá trình đó như thế nào? Đó là câu hỏi chủ yếu dành cho nhà quản lý văn hóa, các hội nghề nghiệp liên quan, các nhà xuất bản. Nhưng, cũng có thể sử dụng “quyền lực mềm” để tạo ra sự tác động có lợi cho hoạt động xuất bản. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự trang bị vốn hiểu biết cho con cháu mình, hướng chúng làm quen với những loại sách có lợi cho sự hình thành nhân cách, với văn học hàn lâm và những tác phẩm hiện thực có ích cho việc trang bị vốn hiểu biết. Kiến thức của từng cá nhân không chỉ là cơ sở cho việc hình thành văn hóa đọc, kỹ năng đọc, khả năng chọn lựa đúng đắn, mà còn có thể giúp hình thành xu hướng, trào lưu, tác động tới quá trình lựa chọn đề tài của các nhà văn, khiến cho “sách hay… mà vẫn bán chạy”, tránh cảnh “bạn đọc dễ dãi có thể làm hư nhà văn”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng “quyền lực mềm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.