Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng giáo dục đạo đức

Thống Nhất| 05/09/2012 07:58

(HNM) - Hôm nay, ngày 5-9, tiếng trống khai giảng vang lên ở khắp các nhà trường báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Năm học 2012-2013 có ý nghĩa quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.


Cùng với các địa phương trên cả nước, Hà Nội đã sẵn sàng để hơn 110 nghìn cán bộ, giáo viên và 1,5 triệu học sinh (HS) các cấp học đón năm học mới với quyết tâm cao. Nhân dịp này, PV Hànộimới đã phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.


Giờ thực hành của học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).Ảnh: Linh Tâm

- Giảm dần những khác biệt về chất lượng GD-ĐT ở một số vùng, miền dường như là trăn trở của lãnh đạo ngành ngay từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thưa ông?

- Việc nâng cao chất lượng, tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục Hà Nội trong nhiều năm qua, và càng được quan tâm hơn từ khi Hà Nội mở rộng. Hà Nội và Hà Tây (cũ) có chung thuận lợi là đã hoàn thành, duy trì vững chắc kết quả phổ cập THCS - tiền đề vững chắc để toàn ngành từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập THPT vào năm 2015. Kết quả giáo dục cả đại trà và mũi nhọn ở các nhà trường trong năm học 2011-2012 cho thấy chất lượng GD-ĐT ổn định và có chiều hướng tiến bộ. Thành phố có 59 HS đỗ thủ khoa ĐH, 146 HS có điểm thi ĐH đạt từ 27 trở lên, trong đó có sự góp mặt của nhiều HS ở vùng khó khăn như Phú Xuyên, Ba Vì… Đây là căn cứ để toàn ngành tin tưởng và quyết tâm kiên trì với mục tiêu này trong năm học mới.

- 2012-2013 là năm học đầu tiên Hà Nội triển khai nhiều đề án, quy hoạch quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Vai trò của ngành GD-ĐT thể hiện ra sao để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra?

- Hà Nội sẽ bàn giao hai bản quy hoạch về phát triển hệ thống GD-ĐT và mạng lưới GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tới từng quận, huyện, thị xã ngay từ đầu năm học, tạo căn cứ pháp lý, tiền đề bền vững cho phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô những năm tới. Ngoài ra ngành giáo dục Thủ đô còn khẩn trương hoàn thành lộ trình xây dựng 55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015, áp dụng thống nhất mức thu học phí mới… Để đạt được mục tiêu, ngoài huy động nguồn lực, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực của công tác quản lý với phương châm "kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao"; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai với yêu cầu 5 rõ: rõ mục tiêu, rõ giải pháp, rõ tiến độ, rõ kinh phí và rõ trách nhiệm.

- Để đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ chú trọng những vấn đề gì trong năm học mới?

- Phát huy bề dày truyền thống, thầy và trò toàn ngành sẽ ra sức thi đua dạy và học, góp phần cùng Thủ đô thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển giáo dục. Ngoài ra, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường nguồn lực đầu tư; coi trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức, giáo dục lý tưởng, kỹ năng sống cho HS thông qua việc giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh", hình thành thói quen, nếp sống đẹp cho HS. Năm học mới, giáo viên toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng chất hơn lượng, học đi đôi với hành, giảm nhồi nhét kiến thức để HS học chủ động, sáng tạo.

- Thưa ông, giáo dục trong điều kiện hiện nay không thể tách rời xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt với nhu cầu ngày càng cao của người dân về các điều kiện, dịch vụ và chất lượng giáo dục. Kế hoạch của ngành trong năm học mới thế nào?

- Ngành GD-ĐT đã được giao nhiệm vụ xây dựng một số trường theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao thuộc Chương trình 07/CT-TU của Thành ủy Hà Nội. Trên địa bàn thành phố có nhiều trường ngoài công lập triển khai thí điểm ở một số lớp và nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh. Để tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển mô hình này trong tương lai, Hà Nội đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về trường chất lượng cao với những tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng đào tạo… Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện để có thể ban hành bộ tiêu chuẩn này ngay trong những ngày đầu năm học mới, làm căn cứ cho các trường thực hiện. Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng khoảng 30-35 trường theo mô hình chất lượng cao ở mỗi cấp học, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và đòi hỏi thực tế của xã hội.

- Để đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới, việc chăm lo, đầu tư cho đội ngũ thầy, cô giáo sẽ được ngành GD-ĐT Thủ đô triển khai cụ thể ra sao, thưa ông?

- Kết quả năm học 2011-2012 vừa qua của toàn ngành đã để lại nhiều dấu ấn tự hào, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các thầy, cô giáo. Với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đến năm 2015. Đội ngũ ấy sẽ được quan tâm hơn một cách thiết thực và đồng bộ ở mọi khâu: tiếp nhận và luân chuyển; đánh giá và bồi dưỡng; sử dụng và đãi ngộ. Trong đó, việc đánh giá giáo viên sẽ không chỉ dựa theo chuẩn trình độ đào tạo mà còn phải căn cứ trên cả "sản phẩm" đào tạo và các kiến thức, kỹ năng của chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo từng cấp học. Yêu cầu cụ thể đối với mỗi cơ sở giáo dục ngay trong năm học mới là quyết tâm xây dựng ở đơn vị mình một đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, tâm huyết với nghề. Dù trong hoàn cảnh nào, người thầy cũng cần là tấm gương sáng cho HS noi theo.

- Xin cảm ơn ông! Chúc ngành GD-ĐT Thủ đô tiếp tục gặt hái nhiều kết quả cao trong năm học mới!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng giáo dục đạo đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.