(HNM) - Nhìn vào các chỉ số thống kê cụ thể, có thể thấy rõ tỷ trọng ngày càng có sức nặng của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế, đó là: Năm 2015, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP cả nước. Nhìn rộng hơn, giai đoạn 2002-2015, bình quân khu vực này đóng góp khoảng 39-40% GDP cả nước; giải quyết việc làm cho 85% lực lượng lao động; có tốc độ tăng trưởng bình quân cao và ổn định (10,2%)...
Khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân... - đem lại "tỷ trọng ngày càng có sức nặng" một mặt là kết quả tất yếu của các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, mặt khác cho thấy sự năng động, sáng tạo và tiềm năng to lớn của bản thân khu vực này. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào các vấn đề nội tại, có rất nhiều điểm còn phải trăn trở: "Cán cân" giữa hộ sản xuất - kinh doanh cá thể với doanh nghiệp tư nhân tương đối mất cân bằng - năm 2016, cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có gần 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân và trong tỷ trọng 39,21% đóng góp cho GDP cả nước năm 2015, "phân khu" doanh nghiệp tư nhân chỉ "góp" 7,88%. Rồi hàng loạt vấn đề khác như 97% doanh nghiệp tư nhân hiện có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, tư duy quản trị còn "nhiều vấn đề"...
Phát huy hiệu quả tiềm năng to lớn để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn hơn nữa, tương xứng với vị thế khu vực này đối với nền kinh tế đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết!
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Để phát huy hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đòi hỏi quá trình định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế từ phía cơ quan quản lý nhà nước... Tinh thần "cởi trói" (các nút thắt, sức ì...), kiến tạo với các chương trình hành động, giải pháp cụ thể, thiết thực từ Chính phủ thời gian qua đang cần được lan tỏa sâu rộng hơn nữa.
Đó là, cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương phải mang tinh thần này vào trong hoạt động. Một trong những "mũi nhọn" cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính không chỉ trong các lĩnh vực thuế, hải quan mà ngay từ các khâu đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp... Cũng với tinh thần "cởi trói" và kiến tạo, những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân đã được nhận diện phải bị dỡ bỏ càng sớm càng tốt.
Và để phát huy hết tiềm năng, ở chiều ngược lại, bản thân khu vực kinh tế tư nhân cần nhanh chóng tự cải thiện, đó là: Từng bước hạn chế lề thói làm ăn manh mún, chộp giật (ở cả phía hộ cá thể lẫn doanh nghiệp), nặng về quan hệ xin - cho, cạnh tranh không lành mạnh, ăn xổi ở thì... Đặc biệt, quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp cần diễn ra với tốc độ nhanh chóng hơn nữa. Vì chỉ mô hình quản trị doanh nghiệp mới khắc phục được những nhược điểm của kinh doanh cá thể...
Thực tế cho thấy, sự cụ thể hóa một cách phù hợp, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và tinh thần "cởi trói", kiến tạo của Nhà nước sẽ khai mở, tạo bệ phóng để khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh, đóng góp tỷ trọng xứng đáng cho nền kinh tế. Và hy vọng trong tương lai gần, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa những thương hiệu có vị thế cả trong nước cũng như thị trường quốc tế như Vingroup, TH Truemilk, Hòa Phát, FPT...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.