Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi thi THPT quốc gia tại Hà Nội: Rõ người, rõ việc

Hồng Hạnh| 26/06/2015 06:53

(HNM) - Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7, ngày 25-6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức quán triệt quy chế, tập huấn chuyên môn cho cán bộ Cụm thi số 9 do Sở chủ trì.

Với quy mô hơn 11 nghìn thí sinh (TS), bằng 1/10 so với tổng số TS tham dự kỳ thi này trên địa bàn thành phố, công tác coi thi được coi là rất quan trọng bởi đây là kỳ thi quốc gia, lần đầu tổ chức với "mục tiêu kép" và mang tính chất cạnh tranh khá lớn.


Không được chủ quan, lơ là

Đây là kỳ thi quy mô quốc gia lần đầu tiên tổ chức với nhiều điểm khác biệt so với các năm trước, vì vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi, trong đó có khâu coi thi, là rất quan trọng. Tại hội nghị có sự tham gia của 27 trưởng điểm thi, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ lưu ý: Các đơn vị không được chủ quan, lơ là với bất kỳ khâu nào. Lý do là, theo quy chế, cụm thi của Sở GD-ĐT chủ trì chỉ phục vụ các TS đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT, nhưng thực tế, các em còn rất nhiều cơ hội vào đại học (ĐH). Hiện có khoảng 160 trường ĐH tư thục xét tuyển TS theo kết quả tốt nghiệp THPT, vì vậy, đây vẫn là kỳ thi có "mục đích kép". Trách nhiệm của Hà Nội là bảo đảm công bằng cho mọi TS và góp phần vào mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: "Yêu cầu nghiêm túc đối với từng điểm thi là phải phân công nhiệm vụ sao cho rõ người, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc làm nhầm việc. Điểm thi nào để xảy ra tình trạng lộn xộn, dù chỉ tại một phòng thi, thì ít nhất có 5 thành viên phải chịu trách nhiệm, gồm 2 cán bộ coi thi (CBCT), 1 cán bộ giám sát, 1 cán bộ thanh tra, 1 lãnh đạo điểm thi. Nếu không phân công rõ người, rõ trách nhiệm thì toàn bộ lãnh đạo và cán bộ ở vị trí liên quan tại điểm thi đều phải chịu xử lý kỷ luật".

Theo quy chế mới, nhiệm vụ của CBCT có nhiều điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Vì vậy, đây là điểm được lưu ý kỹ đến từng thành viên, tránh vì làm thi nhiều năm, quen việc mà chủ quan, vi phạm quy chế. Theo đó, khi có hiệu lệnh, cả hai CBCT cùng có mặt tại phòng thi, đồng thời thực hiện chức trách của mình, trong khi người thứ nhất gọi tên TS vào phòng thi thì người thứ hai dùng thẻ dự thi và danh sách ảnh của TS để nhận diện, kịp thời phát hiện bất thường, đặc biệt là trường hợp thi hộ.

CBCT tại kỳ thi này còn đảm nhận việc phổ biến quy chế thi cho TS. Mọi năm, nhiệm vụ này thuộc về trưởng điểm thi, còn năm nay, thay cho phần tập trung toàn điểm thi để khai mạc kỳ thi, TS sẽ di chuyển về từng phòng thi để nghe CBCT phổ biến quy chế.

Trưởng điểm thi là "chỉ huy trưởng"

Bài học tổ chức thành công các kỳ thi tại Hà Nội nhiều năm gần đây là tăng cường trách nhiệm của trưởng các điểm thi, coi đây là "chỉ huy trưởng" có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất. Các trưởng điểm thi được quyền từ chối khi nhận bàn giao cơ sở vật chất điểm thi nếu thấy không bảo đảm chất lượng. Đây cũng là cách để tăng cường trách nhiệm và giám sát trong khâu chuẩn bị của các lực lượng được giao nhiệm vụ. Hiện tại, theo báo cáo của thanh tra Sở GD-ĐT, hơn 400 phòng thi tại 27 điểm thi đã được rà soát kỹ, song, nếu khi nhận bàn giao, nơi nào bị trưởng điểm thi từ chối thì lực lượng thanh tra sẽ bị buộc phải xem xét lại trách nhiệm.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi thành phố, trưởng các điểm thi được nhắc nhở chuẩn bị tốt các điều kiện để kiểm soát tốt diễn biến trong thời gian thi và chủ động ứng biến theo phương châm "bốn tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đơn cử, trong việc điều động lực lượng, theo quy định thì việc phân công CBCT phải được giữ bí mật đến đầu mỗi buổi thi, nếu có trường hợp vắng mặt đột xuất, trưởng điểm thi được quyền đề nghị trực tiếp và ngay lập tức với hiệu trưởng của trường nơi đặt điểm thi để huy động bổ sung.

Cũng liên quan đến việc điều động lực lượng, nhiều trưởng điểm thi bày tỏ băn khoăn về việc bố trí CBCT ở mỗi buổi thi ra sao cho phù hợp với yêu cầu và bảo đảm kinh phí, bởi trừ ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, số lượng TS ở các môn thi khác nhau, dẫn đến số lượng phòng thi khác nhau. Giải đáp điều này, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) giao trách nhiệm cho trưởng điểm thi căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi buổi thi để quyết định về số lượng CBCT được huy động bảo đảm đủ số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn cho kỳ thi.

Sẵn sàng hỗ trợ 2.500 chỗ ở miễn phí cho thí sinh

(HNM) - Thành đoàn Hà Nội cho biết, đã sẵn sàng hỗ trợ 2.500 chỗ ở miễn phí cho thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Theo đó, các thí sinh được bố trí ở phòng có diện tích trung bình 57m2 khép kín với nhà vệ sinh, bình nóng lạnh, bàn, ghế, giường tầng, tủ để đồ... Ngoài ra, thí sinh còn được miễn phí nước uống, gửi xe, chăm sóc y tế... Đặc biệt, tại đây có một đội ngũ thanh niên tình nguyện đưa đón miễn phí thí sinh và người nhà.

Linh Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi thi THPT quốc gia tại Hà Nội: Rõ người, rõ việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.