(HNM) - Cách đây gần hai mươi năm, nhà báo Trần Ngọc Lân nguyên phóng viên Báo Hànộimới đã cho ra đời cuốn "Một đời trăn trở" - NXB Thanh Niên, ngợi ca những kiếp người, những số phận chìm nổi… nhưng vẫn vượt khó vươn lên.
Từ đó đến nay, Trần Ngọc Lân đã công bố trên 20 đầu sách. Và hôm nay, ở tuổi ngót nghét 80, tác giả lại ra mắt bạn đọc tác phẩm "Cõi đời này nếu phải ra đi" (NXB Hội Nhà văn 2011).
Qua 200 trang viết, tác giả Trần Ngọc Lân dẫn bạn đọc ngược dòng thời gian trở lại thời bao cấp với câu chuyện về nhà báo Ngọc có một mối tình đầu tha thiết với một cô gái tên là Ngần, nhưng không thể tiến tới hôn nhân bởi nơi quê nhà anh đã có người vợ hơn anh 5 tuổi do cha mẹ "đặt định" từ thuở lên 9. Người vợ tảo hôn tên Xuân đã trải qua 15 năm làm dâu, một lòng chung lưng gánh vác mọi khó khăn gian khổ cùng gia đình nhà chồng, nên Ngọc không đành dứt bỏ. Mối tình tay ba ấy dù muốn hay không cũng đã hình thành. Đã bao lần đôi Ngọc - Ngần chia tay, rồi bỗng nhiên gặp lại, gặp lại rồi lại… chia tay. Chia tay để mong quên đi tất cả, tới mức coi như người xưa đã chết, vậy mà bốn chục năm sau vẫn "Trên cõi đời này, bao nợ nần - trả mãi rồi cũng hết/Ta nợ tình nhau - trả - biết - đến bao - giờ!?".
Điều cốt lõi trong "Cõi đời này nếu phải ra đi" là sự trong sáng giữa lý trí và tình yêu; giữa đam mê nồng nàn và trách nhiệm, bổn phận làm người có nhân cách, có đạo lý, có trước có sau… Là những khi… ''cả hai đều cảm thấy con tim mình bấy lâu như đang bị khóa chặt - nay bỗng được bật chốt vỡ oà ra biến thành trăm ngàn ngọn lửa hồng, nồng cháy yêu thương. Là những ký ức sống động say đắm nồng nàn của thời tuổi trẻ…''(trang 123).
Vậy mà nhân vật Ngần vẫn khẳng định "Cho dù một mai thực sự gặp lại anh, thì đó chỉ là một tình bạn tri âm, biết san sẻ buồn vui trong chặng đường của buổi hoàng hôn! Tôi sẽ không bao giờ rời khỏi căn nhà mà tôi đã cùng chồng chung sống. Nơi có bát nhang, trân trọng thiêng liêng… và tình cảm họ hàng gắn bó".
Trong "Cõi đời này nếu phải ra đi", tác giả nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Lân khẳng định: "Vẫn biết xưa cũng như nay, sự tiến thêm một bước để có người làm bầu bạn sớm chiều đối với những người đang "nằm" trong cảnh hẫng hụt lứa đôi là đúng… Đành rằng trong tình yêu không nên tính chuyện được hay mất, nhưng rất cần sự cân nhắc giữa nên và không nên…" (trang 166). Câu tục ngữ: "Xưa nay con cái nuôi cha/Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông", theo tác giả là để… "ứng dụng trong hoàn cảnh của ông và của bà đích thực trong cái đạo nghĩa vợ chồng "muối mặn gừng cay". Chứ đâu phải chuyện của một bà… "mới toanh" vừa mới được "du nhập" về để hầu ông!?
Gấp lại cuốn "Cõi đời này nếu phải ra đi", người đọc bỗng cảm nhận đúng là "tình yêu không có tuổi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.