(HNM) - Đó là một nghịch lý nhưng đáng tiếc cũng chính là thực trạng chung của nhiều công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nguyên nhân của khó khăn đó được tổ chức Công đoàn (CĐ) xác định là do sự ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, điện, nước, dẫn đến giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị "đội" lên khá cao; trong khi đồng lương, thu nhập của hầu hết CNLĐ còn quá eo hẹp.
Có việc làm mà vẫn khó khăn
Trao đổi với chúng tôi trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2, chị Lê Thị Thu, quê ở Nam Định, công nhân Công ty TNHH May Minh Trí (KCN Vĩnh Tuy) chia sẻ, từ sau Tết đến nay, cuộc sống của chị và các CNLĐ ở đây rất khó khăn, vì giá của các mặt hàng như điện, nước và cả giá thuê trọ đều tăng cao. Thu nhập có hạn, nên mặc dù đã phải hết sức dè xẻn nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn không thể "trụ" được ở đây. Một số dự định bỏ việc về quê làm ruộng, còn số khác tính sẽ khắc phục khó khăn bằng cách tìm nhà trọ rẻ hơn, dù có phải đi làm xa hay điều kiện sinh hoạt kém hơn. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của CNLĐ hiện nay.
Công ty CP Dệt 10-10 là một trong những đơn vị bố trí đầy đủ việc làm cho công nhân. Ảnh: Linh Tâm |
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch CĐ ngành dệt may Hà Nội cho biết, qua khảo sát 77 CĐ cơ sở trực thuộc CĐ ngành, sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong tổng số 24 nghìn CNLĐ thì tỷ lệ CNLĐ quay trở lại làm việc tại các DN đạt trên 96% và hiện con số này vẫn ổn định. Được vậy là do hầu hết các DN đều bố trí được đủ việc làm cho công nhân, trong đó nhiều đơn vị có đơn đặt hàng lớn, điển hình như Công ty Dệt 10-10, CNLĐ liên tục phải tăng ca, tăng giờ, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ. Tuy nhiên, đáng buồn là mặc dù không bị thiếu việc làm, song đời sống của CNLĐ vẫn không được bảo đảm do mức lương và thu nhập còn thấp.
Tại KCN và CX Hà Nội, hầu hết DN đều đã tăng lương cho CNLĐ kể từ ngày 1-1-2010. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 97/2009/CP của Chính phủ mà NLĐ đương nhiên được hưởng, với mức tăng từ 80 nghìn đến 180 nghìn đồng/người/tháng tùy theo từng vùng. Vấn đề là ở chỗ, nghị định nêu, mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang, bảng lương, các loại phụ cấp lương, các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và để thực hiện các chế độ khác do DN xây dựng, ban hành theo thẩm quyền. Nhưng trên thực tế, nhiều DN không áp dụng quy định này, dẫn đến việc NLĐ bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Hóa, Chủ tịch CĐ các KCN và CX Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều DN chưa quan tâm đầy đủ các chế độ về lương, thưởng cũng như trợ cấp khó khăn cho công nhân, nên vừa qua tại đây xảy ra tình trạng công nhân tại một số DN tự ý ngừng việc tập thể, đòi tăng lương, giảm giờ làm... CĐ các KCN và CX Hà Nội đang phải nỗ lực vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, đồng thời giải thích, phân tích và thuyết phục DN cùng ngồi lại để bàn cách tháo gỡ...
Cái khó "bó" cái khôn
Thời gian qua, tổ chức CĐ Thủ đô cùng các cấp, ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Nhưng do nhiều nguyên nhân đã khiến việc cải thiện và nâng cao đời sống cho CNLĐ vẫn là bài toán khó. Tình trạng CNLĐ ít tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hoặc thể thao rèn luyện sức khỏe là chuyện thường gặp ở bất cứ đâu. Song đáng lo ngại hơn, chính vì những khó khăn trước mắt, không ít CNLĐ buộc phải gạt bỏ quyền lợi của chính mình.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Hà Đông cho biết, khảo sát nhiều DN trên địa bàn quận cho thấy, dựa vào quy định tăng lương tối thiểu vùng, vừa qua nhiều DN chỉ điều chỉnh mức khoán sản phẩm chứ thực chất không tăng lương cho NLĐ, dẫn đến đời sống của công nhân vốn đã chật vật càng thêm khó khăn. Thu nhập quá thấp, không bảo đảm cuộc sống đã khiến nhiều CNLĐ buộc phải từ chối tham gia đóng BHXH, BHYT vì không muốn "mất" đi một phần thu nhập hằng tháng.
Tương tự, CNLĐ ở ngành xây dựng Hà Nội tuy cũng được bảo đảm về việc làm, thậm chí NLĐ thời vụ cũng có việc thường xuyên, song mức thu nhập mà họ nhận được vẫn rất thấp. Và cái khó bó cái khôn, nên CNLĐ ngành này cũng chỉ biết dốc sức lao động để bảo đảm cuộc sống, chứ ít quan tâm đến các vấn đề khác. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, cán bộ chuyên trách CĐ ngành, khảo sát của CĐ ngành tại 66 DN ngoài nhà nước thấy nổi lên thực trạng các DN chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh; NLĐ cũng mải "chạy" theo năng suất để có thêm thu nhập, nên khi được hỏi về các vấn đề thời sự chính trị họ chỉ biết lắc đầu, thậm chí còn bị "mù" kiến thức và thông tin về các sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước...
Trong tình hình khó khăn chung đó, tại nhiều cuộc đối thoại với CĐ, tổ chức duy nhất đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình, nhiều CNLĐ đã mạnh dạn kiến nghị và mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp trong thời gian kéo dài, tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Mong muốn được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để có thể mua nhà nhằm "an cư" cũng là một ước mơ cháy bỏng của CNLĐ. Ngoài ra, nhu cầu nắm bắt kiến thức pháp luật của CNLĐ cũng rất lớn; trong đó CNLĐ nữ luôn mong muốn được trang bị kỹ năng ứng xử trong giao tiếp, phương pháp nuôi dạy con, kiến thức về giới và bình đẳng giới cùng các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi "sát sườn" như việc tính giờ làm thêm khi phải tăng ca thường xuyên, thời gian nghỉ phép hoặc thời gian và mức lương được hưởng khi nghỉ thai sản...
Đến bao giờ thì đời sống của CNLĐ được cải thiện và các nhu cầu thiết thực của họ được đáp ứng? Câu hỏi này xin dành cho các cấp, ngành và cơ quan chức năng TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.