(HNM) - Theo kết quả khảo sát thị trường do Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao công bố, dù hàng Việt vẫn chưa mất ưu thế trên thị trường, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng (NTD) ưa thích hàng ngoại có xu hướng tăng. Có thể trong tương lai gần, việc mua sắm sẽ dịch chuyển sang hàng ngoại nhập nếu hàng hóa trong nước không có sự thay đổi nhanh nhạy hơn về chất lượng, mẫu mã.
Khách hàng chọn mua xoài Đài Loan tại siêu thị Big C. Ảnh: Anh Tuấn |
Xu hướng chuộng hàng ngoại tăng
Qua 16.000 phiếu khảo sát (còn rất khiêm tốn so với hàng chục triệu NTD), có 92% NTD cho biết, chủ yếu sử dụng hàng sản xuất trong nước, song chỉ có 78% thích hàng Việt Nam. 60% ưu tiên mua sắm ở kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), 34% thích mua sắm ở kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi). Đáng quan tâm, có tới 1/4 số người được khảo sát lo ngại về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất hàng hóa. Lo ngại lớn nhất là nông sản tươi và thực phẩm được bán trên kênh truyền thông chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ NTD yêu thích hàng Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc… có xu hướng tăng, là dấu hiệu đáng lo ngại đối với DN trong nước trong tương lai gần. Cùng với tâm lý e dè với hàng Trung Quốc, nhất là các nhóm hàng thực phẩm, may mặc, nông sản tươi… hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, chiếm lĩnh thị trường.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã từ đồ gia dụng, thời trang, điện tử, đến thực phẩm chế biến… hàng Thái Lan không chỉ có mặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, mà còn xuất hiện ở cửa hàng tạp hóa, các sạp hàng trong chợ truyền thống và các website bán hàng online. Một số NTD đánh giá số lượng sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao tương xứng với hàng nhập khẩu cùng loại còn hạn chế, đòi hỏi cộng đồng DN cần nỗ lực hơn nữa trong nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, sức cạnh tranh nếu không muốn mất thị phần "sân nhà" vào tay nhà sản xuất nước ngoài.
Mở rộng, nắm chắc hệ thống phân phối
Hàng Thái Lan "phủ sóng" rộng khắp đã mang lại cho NTD nhiều lựa chọn, song lại đẩy DN Việt Nam vào nguy cơ mất thị phần. Bởi, nếu hàng tiêu dùng Thái Lan có chất lượng cao và ổn định, thì ngược lại, điểm yếu nhất của hàng Việt Nam chính là chất lượng không ổn định.
Bên cạnh sự lấn lướt của hàng Thái Lan, Việt Nam cũng trở thành thị trường tiềm năng, đầy hứa hẹn cho sản phẩm thực phẩm, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng thiết yếu từ Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát thị trường bán lẻ và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motoo cho biết, các tập đoàn lớn của nước này đang chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa Nhật Bản xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hệ thống cửa hàng tiện lợi. Việt Nam là thị trường lớn, có quy mô dân số trên 90 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân cũng như nhu cầu mua sắm ngày càng tăng. Vì vậy, các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản được xem như những “cứ điểm” để nắm bắt tốt nhất hành vi tiêu dùng của người Việt, khi đã nắm chắc sản phẩm nào được thị trường chấp nhận, các DN sẽ chính thức mở kênh phân phối.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép hàng hóa các nước vào Việt Nam hết sức thuận lợi, hầu hết có thuế suất về 0% nên buộc DN Việt phải tăng tốc cạnh tranh. Đặc biệt, khi DN nước ngoài nắm được hệ thống bán lẻ thì hàng ngoại càng mạnh hơn. Để cạnh tranh được, không còn cách nào khác là DN Việt Nam phải thay đổi từ công nghệ đến cách quản trị; hàng hóa sản xuất ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng tốt, bền, mẫu mã đẹp và giá bán phù hợp với NTD.
Bên cạnh đó, phải đầu tư, mở rộng và nắm chắc hệ thống phân phối. Cần nhìn nhận việc Thái Lan mua lại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam như một bài học. Việc Bộ Thương mại Thái Lan liên tục tổ chức hội chợ hàng Thái Lan hơn chục năm qua tại Việt Nam là minh chứng rõ nét về hoạt động hỗ trợ DN của nước này, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, DN Việt Nam cũng rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong chính sách thuế, xúc tiến thương mại.
Bà Vũ Kim Hạnh nhận định, tự DN phải biết rõ mình yếu gì, thiếu gì để khắc phục; mạnh dạn thay đổi về quản trị DN và văn hóa kinh doanh, từ bỏ ngay cách làm chộp giật, không giữ chữ tín; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh về giá để tồn tại, phát triển ngay trên “sân nhà”. Cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết trong việc xây dựng lực lượng DN đủ lớn mạnh, cũng như chiến lược quốc gia về ngành Công nghiệp bán lẻ, để có thể cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hướng tới phục vụ DN của Chính phủ được kỳ vọng là “đòn bẩy” quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.