(HNM) - Ngày 15-6, trước những chỉ trích dữ dội từ Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng đã khẳng định Tổng thống Barack Obama có quyền tiếp tục các hành động quân sự ở Libya mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Khẳng định này được đưa ra trong một báo cáo dày hơn 30 trang vừa gửi tới các nhà lập pháp Mỹ.
Mỹ đã điều động tàu chiến, tàu sân bay cùng lính thủy đánh bộ áp sát Libya. |
Theo Nhà Trắng, chiến dịch quân sự của Mỹ ở Libya, theo quan điểm của Tổng thống B. Obama là hợp hiến và không phải yêu cầu sự cho phép của Quốc hội vì đây không phải là chiến dịch tấn công được quy định trong luật. Luật về phân chia quyền lực trong chiến tranh được thông qua năm 1973 yêu cầu Tổng thống Mỹ phải xin phép Quốc hội trước khi đưa quân đội ra nước ngoài và không được để quân đội ở nước ngoài nhiều hơn 60 ngày, cộng thêm 30 ngày để rút quân... Các quan chức Nhà Trắng giải thích rằng, Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giới hạn trong chiến dịch quân sự do NATO chỉ huy ở Libya và lực lượng Mỹ không tham chiến lâu dài, nên tổng thống có quyền hợp hiến để tự quyết định và rằng hành động của Mỹ ở Libya không liên quan đến khái niệm "chiến tranh" như thể hiện trong Nghị quyết 1973 của nước Mỹ.
Trong báo cáo, Nhà Trắng ước tính chi phí của các chiến dịch quân sự và hỗ trợ nhân đạo do Mỹ tiến hành tại Libya là vào khoảng 800 triệu USD tính tới ngày 3-6 và có thể tăng lên 1,1 tỷ USD vào đầu tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai giải thích về tính hợp pháp cũng như chi phí cho cuộc chiến đã không hề được thông qua tại Quốc hội nước này. Nhà Trắng buộc phải đưa ra bản báo cáo nêu trên là vì đầu tháng 6 này, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết không có tính ràng buộc, khiển trách Tổng thống B.Obama vì không đưa được "cơ sở pháp lý vững chắc" khiến Mỹ can dự vào Libya. Nghị quyết cũng đề nghị Nhà Trắng trả lời các câu hỏi liên quan gồm: Quy mô hoạt động của quân đội, chi phí và ảnh hưởng của chiến dịch Libya tới cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan... Tăng thêm áp lực cho người đứng đầu Nhà Trắng, một nhóm 10 nghị sĩ của cả hai đảng ngày 15-6 đã đệ đơn kiện tổng thống do đã phớt lờ Quốc hội khi quyết định can thiệp quân sự vào Libya. Các nghị sĩ này cho rằng, ông B.Obama đã vi hiến khi qua mặt Quốc hội để tiến hành chiến tranh. Hơn thế, giữa tuần này (ngày 13-6), với tỷ lệ phiếu ủng hộ 248/163, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật cấm sử dụng các quỹ cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Libya.
Nhà Trắng và Đồi Capitol đã lâm vào bất đồng về quyền của Tổng thống và Quốc hội trong suốt những ngày qua xung quanh chiến dịch tại Libya. Sự kiện Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết khiển trách Tổng thống B.Obama dù chỉ mang tính biểu tượng nhưng áp lực mà Tổng thống B.Obama đang phải đối mặt về vấn đề Libya là dấu hiệu cảnh báo với Nhà Trắng. Nó cho thấy Quốc hội Mỹ không mấy hứng thú với cuộc chiến ở Libya khi Mỹ đang "mắc cạn" trong vũng lầy Iraq và Afghanistan. Hơn nữa, cũng không có gì là khó hiểu khi Tổng thống B.Obama phải đối mặt với làn sóng phản đối can thiệp quân sự vào Libya. Người Mỹ lo ngại chi phí cho chiến dịch quân sự này sẽ ngày một tăng. Trong bối cảnh khó khăn về tài chính với những khoản nợ khổng lồ và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng cùng hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan, việc Mỹ sa thêm vào một cuộc chiến nữa sẽ là một viễn cảnh tồi tệ.
Trong khi đó, NATO đã kết thúc giai đoạn 1 với các cuộc không kích khốc liệt nhưng vẫn chưa khiến quân đội của Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ và tổ chức này đã phải kéo dài chiến dịch thêm 90 ngày nữa (dự kiến kết thúc vào ngày 27-9). Vậy là vai trò hậu thuẫn của Mỹ trong cuộc chiến tại Libya vẫn chưa thể chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với cuộc khẩu chiến giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol về quyền hạn của Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến tại Libya chưa có hồi kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.