(HNM) - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa đề xuất nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ bằng tem. Thay vì phải đến Kho bạc Nhà nước để nộp phạt, chủ phương tiện dùng tem (mua sẵn) dán vào biên bản vi phạm. Tem sẽ được Nhà nước phát hành theo nhiều mệnh giá khác nhau và được bán rộng rãi ở các đại lý, bưu điện. Đây là ý tưởng hay, song cũng có không ít người băn khoăn, hoài nghi.
Ông Vũ Văn Dân (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm):
Một cải tiến lớn…
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hiện nay khá rườm rà, mất nhiều thời gian, lãng phí tiền bạc, gây bức xúc cho người dân, nên tôi rất tán đồng với đề xuất này. Người vi phạm có thể nộp ngay tại chỗ và số tiền nộp phạt cũng sẽ minh bạch, hạn chế sự "nhập nhèm" giữa người vi phạm với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm về trường hợp tem bị làm giả, khi đó các cơ quan chức năng không kiểm soát được.
Bà Hoàng Thị Thắm (phường Trung Liệt, quận Đống Đa):
Chưa hợp lý với tình hình hiện nay
Trên thực tế có nhiều thanh niên trẻ, đi xe máy đắt tiền không đội mũ bảo hiểm; một số "tay đua" còn có thái độ thách thức, cố tình vi phạm ngay trước mặt CSGT… Điều này cho thấy sự coi thường pháp luật, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông của một bộ phận giới trẻ, vì vậy các chủ phương tiện phải mất ngày, mất buổi đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt cũng là cách để giáo dục, răn đe có hiệu quả. Vì vậy, tôi cho rằng cách nộp phạt như đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là chưa hợp lý với tình hình hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hiền (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy):
Liệu có hạn chế được tiêu cực?
Nói rằng nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ bằng tem để hạn chế hiện tượng hối lộ, nhũng nhiễu là chưa xác đáng, bởi nhận hối lộ là hành vi thuộc về ý thức người quản lý, nhà chức trách, chứ không phải có tem mà hạn chế được hiện tượng này. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm 2 lỗi, nhưng cảnh sát giao thông chỉ bắt nộp phạt 1 lỗi, còn 1 lỗi người vi phạm "dúi" tiền (thấp hơn mức phạt) cho cảnh sát giao thông thì ai là người giám sát? Do vậy, nếu đề xuất này mới chỉ đáp ứng được tiêu chí thuận tiện cho người dân về mặt thời gian, mà chưa đáp ứng được các tiêu chí chặt chẽ khác thì cũng không nên áp dụng ngay, cần phải nghiên cứu kỹ, tránh việc các quy định phải thay đổi liên tục.
Ông Nguyễn Văn Bắc (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa):
Không nên để các quy định thiếu tính thực tiễn…
Đối với những lái xe ô tô nhỏ lẻ như chúng tôi, quy định này đáp ứng được nhu cầu nhanh, thuận tiện. Song với các doanh nghiệp chuyên về vận tải, có hàng trăm đầu xe, việc bỏ tiền ra để "trang bị" đủ bộ tem theo các mệnh giá khác nhau đòi hỏi một nguồn tài chính lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp đều "đói" vốn. Tôi ủng hộ cách làm mang tính đổi mới, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần phải cân nhắc đến những khó khăn của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện quy định này. Hơn nữa, sự đổi mới đó phải mang tính đồng bộ, phù hợp với sự vận động của nền kinh tế, không nên để các quy định thiếu tính thực tiễn, chết yểu, vì sự tính toán vội vàng của các nhà hoạch định.
Bà Đỗ Thị Nhàn (phường Mộ Lao, quận Hà Đông):
Phải có tính bao quát…
Với đề xuất này, tôi thấy không an tâm, bởi nếu mình không dự trữ sẵn tem, chẳng may khi đi xa bị phạt, biết tìm mua tem ở đâu? Nếu trong túi có tem mệnh giá 200.000 đồng, nhưng lỗi chỉ bị phạt 50.000 đồng, thì làm thế nào, chẳng lẽ phải mua đủ bộ? Đã là quy định thì phải có tính bao quát, không được bỏ sót, do vậy, nếu quy định này được áp dụng cũng phải tính toán đến mọi khía cạnh. Tôi cho rằng, cần phải thay đổi quy trình nộp phạt như hiện nay, song theo hướng nào, cần phải tham khảo thêm ý kiến người dân, sao cho phù hợp với thực tiễn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.