(HMNO) - Kim tự tháp "bị mất tích" của một vị vua mờ nhạt từng cai trị Ai Cập khoảng 4.300 năm trước có thể nằm ở vùng giao nhau của một loạt các đường vô hình ở phía nam Saqqara, một nghiên cứu mới cho biết.
Kết nối với khu mộ được các vị vua thuộc Triều đại thứ 6, từ khoảng giữa năm 2322 trước công nguyên đến năm 2151 trước công nguyên, xây dựng, những đường này chắc hẳn đã vạch ra một không gian linh thiêng của vùng Saqqara, phù hợp với một số tiêu chuẩn như là dòng dõi nhà vua, tín ngưỡng và sự liên kết về mặt thiên văn học.
Chỉ được biết đến trong danh sách các vị vua, Userkare là vị vua thứ hai của Triều đại thứ 6 và cai trị chỉ một thời gian ngắn ngủi giữa triều đại Teti và con trai của Teti là Pepi I. Ông đã nắm quyền sau khi Teti bị ám sát, có thể trong một âm mưu mà chính ông đã vạch ra.
Đây là một ít thông tin về vị vua mờ nhạt này.
"Khi Pepi I nắm quyền trị vị vài năm sau đó, Userkare đã biến mất khỏi lịch sử. Việc tìm thấy lăng mộ của ông có thể giúp hiểu hơn về những năm tăm tối đó. Những bức tường trong khu lăng mộ của Userkare cũng có thể chứa những bản ghi chép nguyên vẹn về các nguyên bản kim tự tháp", Giulio Magli, giáo sư về khảo cổ thiên văn học thuộc Đại học bách khoa Milan cho biết. Nghiên cứu này của ông sẽ được xuất bản trong số tới của tạp chí Khảo cổ học Địa Trung Hải.
Cuộc săn tìm vị vua mất tích của ông Magli liên quan đến những nghiên cứu trước đây về các kim tự tháp của Vương quốc cổ đại. Trong đó, từ kim tự tháp của vua Djoser (vị vua thứ 2 của triều đại thứ 3) đến kim tự tháp hiện đã bị sụp đổ của vua Unas (vị vua cuối cùng của triều đại thứ 5), tất cả những khu lăng mộ này đều xuất hiện trong mối liên hệ một phần nào đó với những đường vô hình đan xen nhau.
Theo đó, chóp kim tự tháp của vua Pepi I (vị vua thứ 3 thuộc triều đại thứ 6) thẳng hàng với kim tự tháp của Userkaf (vị vua đầu tiên thuộc triều đại thứ 5), trong khi đỉnh kim tự tháp của vua Merenre (vị vua thứ 4 thuộc triều đại thứ 6) thẳng hàng với đỉnh kim tự tháp của vua Unas (vị vua cuối cùng thuộc triều đại thứ 5).
"Thật khó để tin rằng cấu trúc thiên đỉnh chặt chẽ này chỉ là một sự trùng khớp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, có một số thứ không phù hợp trong mô hình này: không có kim tự tháp nào thẳng hàng với kim tự tháp của vua Djoser, kim tự tháp quan trọng nhất và được tôn sùng nhất tại Saqqara", ông Magli nói.
Các vị trí lăng mộ được cho là tự do, nhưng các vị vua đã chọn lựa khác nhau và đôi khi là những vị trí phức tạp hơn. Ví dụ, Pepi II, vị vua thứ 3 thuộc triều đại thứ 6 đã di chuyển lăng mộ xa hơn về phía tây nam và chóp kim tự tháp của vị vua này thẳng hàng với chóp kim tự tháp của vua Sekhemkhet thuộc triều đại thứ 3.
"Điều này có thể được giải thích một cách đơn giản: vị trí trong sự liên kết thiên đỉnh với kim tự tháp không phải hoàn toàn tự do, mà được quy định bởi khu lăng mộ của vua Userkare", ông Magli cho biết.
Ông cho rằng, hầm mộ của vua Userkare được đặt ở khoảng giữa của đường kết nối lăng mộ của vua Pepi I và đường chéo của hầm mộ vua Merenre, thẳng hàng với lăng mộ của vua Djoser.
Theo Vassil Dobrev, nhà nghiên cứu về Ai Cập tại Viện khảo cổ học của Pháp ở Cairo, giả thiết trên khá phù hợp trên bản đồ vệ tinh, nhưng thật khó để nhìn thấy trên thực địa. Dobrev tin rằng hầm mộ của vua Userkare nằm ở một khu vực khác - đường chéo nam-bắc ở nam Saqqara, đường chéo có thể kết nối về mặt niên đại với các vị vua thuộc triều đại thứ 6.
Thực tế, ông Magli đang tiến hành khai quật một khu vực rộng 15ha ở Tabbet al-Guesh, nơi ông đã tìm thấy một số hầm mộ của các thày tu từ triều đại thứ 6. Sự hiện diện của khu nghĩa địa này là một dấu hiệu quan trọng về một kim tự tháp gần kề.
Theo ông Magli, cấu trúc bí ẩn trên có thể dẫn tới một khu hầm mộ kép.
"Một cấu trúc tương tự, cấu trúc kép của triều đại thứ 5 đang tồn tại ở Abusir. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng hầm mộ vua Userkare sẽ được tìm thấy ở phía nam Saqqara. Những cuộc khai quật trong tương lai sẽ giải mã bí ẩn này", ông nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.