(HNM) - Sau nhiều tháng lưỡng lự, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cam kết hợp tác quân sự với Iraq nhằm chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng đang chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Đây được xem là một thành công trong chuyến thăm của Thủ tướng Iraq Haidar Al-Abadi tới Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này cũng đánh dấu những thay đổi chiến lược lớn của Ankara có thể mang lại chuyển biến bước ngoặt trong cuộc chiến đẩy lùi một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với thế giới những năm đầu thế kỷ XXI.
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hợp tác chống IS sẽ góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến. |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch oanh kích của liên quân do Mỹ đứng đầu đã phần nào cản được bước tiến của các tay súng IS dù chưa đẩy lùi được tham vọng mở rộng địa bàn hoạt động của tổ chức khủng bố táo tợn này. Hiện tại, các cuộc tấn công nhằm mở rộng diện tích chiếm đóng tại Iraq và Syria của nhóm phiến quân ngày càng trở nên tàn bạo. Các chuyên gia an ninh đang lo ngại, IS sẽ liên kết với các nhóm tàn quân Taliban tại Pakistan và Afghanistan để hình thành một liên minh Hồi giáo cực đoan có quy mô lớn và khó lường hơn nhằm đối phó với chiến dịch chống khủng bố mà nhiều quốc gia đang tham gia.
Theo các nhà phân tích, mặc dù bản chất không khác gì nhóm khủng bố Al-Qaeda, tuy nhiên, IS có tổ chức chặt chẽ, phát triển nhanh và nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Một phần vì nhiều chỉ huy của IS được các cơ quan tình báo phương Tây huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu. Ngoài ra, nhiều nhân viên quản lý và điều hành của IS hiện nay đã được đào tạo qua các chương trình quản lý tại một số trường đại học danh tiếng của phương Tây. Vì thế, Mỹ và đồng minh đang phải đối phó với một nhóm khủng bố có tổ chức tương đối bài bản. Bên cạnh đó, IS có nguồn lực dồi dào do kiểm soát được nhiều giếng khai thác dầu ở phía đông Syria, bắc Iraq và các nguồn hỗ trợ khác; đồng thời cũng có hệ thống vũ khí, trang bị hiện đại so với nhiều tổ chức khủng bố và sẵn sàng đương đầu với bất cứ lực lượng truy quét nào.
Mặc dù từng tích cực tham gia nhiều chiến dịch do các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi xướng nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hạn chế trong việc tham gia liên minh quân sự quốc tế chống IS. Nguyên nhân là do bản thân nước này đang phải đối mặt với phong trào đòi ly khai của người Kurd trong hàng chục năm qua. Ankara lo ngại một hành động quân sự tại Syria sẽ tạo cơ hội gia tăng vị thế cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) mới chỉ đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình khó khăn sau gần 30 năm đối đầu với chính quyền trung ương. Tham gia liên quân chống IS đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng chung hàng ngũ với lực lượng người Kurd.
Trên thực tế, việc IS liên tục mở rộng địa bàn hoạt động tại Kobane là mối đe dọa lớn tới an ninh của quốc gia nằm trên cả hai lục địa Á - Âu. Vì thế, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, các cuộc không kích của Mỹ chỉ có thể làm suy yếu IS chứ không thể tiêu diệt được nhóm khủng bố này. Các lực lượng người Kurd sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại không thể tránh khỏi tại Kobane nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tích cực tham chiến. Và nếu như vậy IS có thể sẽ nắm quyền kiểm soát một khu vực trải dài 500km dọc tuyến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Ankara không khỏi lo ngại.
Những ngày này, khi hơn 15.000 người tị nạn, phần lớn là người Kurd đã vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ, khi súng cối và đạn pháo IS liên tục cày xới đất đai thì chính quyền Ankara có vẻ như đã nhận ra rằng không thể tách khỏi cuộc chiến chống IS. Nhiều nước hy vọng, với cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và người đồng cấp Iraq H.Al-Abadi, sắp tới Ankara sẽ điều bộ binh gia nhập liên quân. Với sự huấn luyện của NATO, quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt đất có thể phối hợp với các lực lượng khác thực hiện việc chiếm giữ mục tiêu, qua đó làm tăng tính hiệu quả của các cuộc không kích và hạn chế tổn thất. Một ưu thế nữa là các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ nằm gần khu vực hoạt động của liên quân. Từ đó chiến đấu cơ có thể phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trên mặt đất. Đây là những yếu tố quan trọng được đánh giá sẽ góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến chống IS trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.