(HNM) - Vở ballet kinh điển
Cảnh trong vở ballet “Hồ thiên nga”. |
"Hồ thiên nga", vở ballet thứ 20 của nhà soạn nhạc Tchaikosky sáng tác khoảng năm 1875-1876, dựa trên những truyền thuyết, cổ tích của Nga và Đức về nàng công chúa Odette bị phù phép thành thiên nga. Với hàng trăm bản dựng truyền thống trên khắp thế giới, "Hồ thiên nga" luôn khiến khán giả bao thế hệ say đắm. Mỗi nhà hát, mỗi diễn viên thực hiện được thành công trọn vẹn tác phẩm là đã đạt được đẳng cấp trong ngành. Nay phiên bản của Nhà hát ballet Talarium Et Lux gây chú ý đặc biệt hơn cả, nó trở thành một hiện tượng của nghệ thuật hàn lâm không chỉ với Việt Nam mà cả trên thế giới.
"Hồ thiên nga" do Nhà hát Talarium Et Lux dàn dựng quy tụ hơn 100 nghệ sĩ ballet hàng đầu thế giới của Nga, do NSND của Liên bang Nga, người được coi là huyền thoại ballet thế giới - Mikhail Leondovich Lavrovsky làm đạo diễn nghệ thuật của vở ballet, hai nghệ sĩ danh tiếng Marina Alesksandrova và Yuriy Anatolievich Romashko biên đạo. Do đó, về mặt chuyên môn, kỹ thuật ballet và âm nhạc của vở diễn sẽ mang sự chuẩn mực không còn gì phải phàn nàn. Hơn nữa, tác phẩm trở nên hoành tráng, hiện đại, dễ tiếp cận với khán giả ngày nay là do sử dụng công nghệ laze 3D tiên tiến với những hình ảnh sinh động theo từng vũ đạo của vũ công - điều chưa từng có trong lịch sử ballet. Chúng tạo nên những bối cảnh đa chiều, không gian chân thực trong từng phân cảnh, lại hỗ trợ, biến hóa thêm hình ảnh nhân vật trong vở diễn, chắc chắn là trải nghiệm khác lạ với người thưởng thức. Đây cũng là hướng đi thành công của Nhà hát Talarium Et Lux nhằm bảo tồn các tác phẩm ballet kinh điển và thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng với nghệ thuật ballet, dù mới thành lập năm 2012.
Để đưa vở ballet đặc biệt này đến Việt Nam, đơn vị tổ chức phải vượt qua nhiều thử thách, yêu cầu về không gian biểu diễn, 300m2 thảm sân khấu chuyên dụng, nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại, nơi ăn, ở tiêu chuẩn cao cho đoàn hàng trăm người… Thế nên, với công chúng Việt, được thưởng thức chương trình nghệ thuật đỉnh cao hàng đầu thế giới như thế này là một cơ hội tuyệt vời. Thật vui khi nhà tổ chức cho biết, vé của đêm diễn dao động từ 700 nghìn đến 4,5 triệu đồng/vé đã gần như hết. Điều đó chứng tỏ, công chúng Việt Nam rất có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, bởi mức giá ấy là vấn đề cần cân nhắc với đa số người dân.
Nhưng, có chi tiết mà không phải ai cũng biết. Hầu hết vé đã được các doanh nghiệp lớn đặt và dành tặng cho các khách hàng VIP trước khi đưa ra bán công khai. Ngay từ khi mở bán, người mua đã được các điểm bán thông báo hết vé giá thấp và cũng chỉ có một lượng ít vé giá cao. Có nghĩa, không phải khán giả yêu ballet nào cũng có thể tiếp cận và sở hữu tấm vé xem tác phẩm này. Vậy nên khoan mừng sớm mà cho rằng nghệ thuật hàn lâm, bác học với sự "kén" khán giả đã được công chúng ở ta quan tâm nhiều hơn. Hơn nữa, một buổi diễn nghệ thuật chất lượng cao dù thành công đến mức nào cũng không thể ngay lập tức thay đổi mặt bằng thưởng thức nghệ thuật ở ta, nhưng không phủ nhận là có sự tạo đà không nhỏ. Bởi sau sự "sốt", sau sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả Việt Nam như thế, hẳn sẽ gây chú ý để nhiều hơn nữa các đơn vị nghệ thuật, nhà tổ chức mang những tác phẩm danh tiếng thế giới đến Việt Nam. Vì vậy khán giả yêu ballet nói riêng hay nghệ thuật đỉnh cao nói chung chưa có thể chờ ở nhiều lần sau.
Cũng xin nhắc thêm rằng, tình yêu nghệ thuật được nuôi dưỡng không chỉ một sớm một chiều, càng không phải chỉ nhờ có một buổi diễn mà thay đổi. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu và tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm thường xuyên ở Việt Nam, dù không hoành tráng nhưng vẫn bảo đảm sự chuyên nghiệp. Lịch diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp luôn xuất hiện những tác phẩm kinh điển thế giới. Tại sao không bắt đầu tìm đến?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.