(HNM) - Sản xuất nông nghiệp Hà Nội mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân Thủ đô, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Tuy vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản gặp khó khăn, thậm chí một số sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng…
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, năm 2015, rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La; gà Babaco đã chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị Biggreen, Fivimart… Cụ thể, sản lượng rau Sơn La tiêu thụ tại siêu thị Fivimart, Biggreen khoảng 300 tấn/năm; sản phẩm gia súc và gia cầm 1,7 tấn/năm; thịt lợn, rau hữu cơ, hoa quả Hòa Bình tiêu thụ tại cửa hàng của Biggreen khoảng 5-6 tấn/năm. Để giám sát chất lượng, Chi cục đã lấy 437 mẫu (Hà Nội 192 mẫu, các tỉnh là 245 mẫu) nông sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối để kiểm tra và phát hiện 17/101 mẫu thịt gà, lợn nhiễm Sabutamol, 2/42 mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, sản phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội có nhãn hiệu, thông tin, nhận diện chưa nhiều, các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát theo chuỗi an toàn thực phẩm. Phần lớn các sản phẩm bán tại chợ đầu mối thường hoạt động từ 3 đến 5h hằng ngày nên khó khăn cho công tác quản lý.
Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Sơn La cho biết, vùng rau ở huyện Mộc Châu (Sơn La) đã cơ bản được giám sát về chất lượng, với diện tích khoảng 3.000ha, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn rau nhưng chỉ có 20% tiêu thụ tại địa phương, còn lại đưa về Hà Nội. Mới đây, các đơn vị của Hà Nội đã gửi lên Chi cục một số mẫu rau tại vùng rau an toàn Mộc Châu không bảo đảm chất lượng tại siêu thị Fivimart. Chi cục đã tiến hành truy xuất nguồn gốc. Tất cả các hộ tham gia sản xuất rau an toàn đều tuân thủ quy trình, nhưng do ý thức của người dân chưa cao nên có thời điểm thiếu rau, nông dân đã nhập ở các vùng khác về dán tem nhãn mác rồi đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Theo ông Sĩ Danh Phúc, đại diện siêu thị Fivimart, thời gian qua khoảng 80% sản phẩm nông, lâm, thủy sản bán trong siêu thị đều nhập từ các tỉnh, nhưng sản phẩm an toàn được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quy định còn ít, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong tìm nguồn hàng phân phối theo chuỗi. Trong quá trình đàm phán liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất còn vướng mắc do nhận thức của người dân hạn chế. Doanh nghiệp luôn lo lắng nông dân phá hợp đồng đã ký. Chất lượng sản phẩm có lúc không đạt yêu cầu do nông dân vẫn mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng về dán tem nhãn mác đưa ra thị trường.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, liên kết chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh đưa về Hà Nội là việc làm tất yếu để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, nông sản an toàn bán tại siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội mới chiếm 20% nhu cầu, còn lại thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT và UBND thành phố xây dựng bộ quy chuẩn về chất lượng nông nghiệp của các tỉnh đưa về Hà Nội bán ở siêu thị và chợ đầu mối. Nếu các cửa hàng kinh doanh ở chợ đầu mối không có giấy chứng nhận an toàn sẽ không được kinh doanh, bắt buộc trả lại sản phẩm về nơi sản xuất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc: Siết chặt quản lý chất lượng rau, thịt ở chợ đầu mối Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội phải tăng cường kiểm tra, phân tích chất lượng mẫu rau, thịt các tỉnh tiêu thụ tại chợ đầu mối, lò giết mổ tập trung, từ đó đề xuất giải pháp quản lý, xử lý những trường hợp vi phạm; đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo chuyên môn kiểm nghiệm nhanh, phân tích an toàn thực phẩm giữa các địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ. Đồng thời, phối hợp định kỳ lấy mẫu phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và từ Hà Nội chuyển đi các tỉnh nhằm cung cấp thông tin hai chiều để phối hợp quản lý, chỉ đạo ở chợ đầu mối sản xuất và giám sát... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.