Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có tạo thế độc quyền?

Nga Ngân| 15/12/2011 06:49

(HNM) - Sau hơn 5 tháng kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phát hiện tới 39% số điểm trông giữ phương tiện không phép.

Trước thực trạng đó, tại cuộc họp với các sở, ngành của thành phố vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã thống nhất với đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải về việc "gom" các bãi trông giữ xe dưới lòng đường tại các quận nội thành về một mối. Dự kiến, từ ngày 1-1 -2012, 5 quận nội thành gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng sẽ được chọn làm thí điểm. Ngay lập tức đề xuất này đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ông Bùi Văn Sỹ (phường Đội Cấn, quận Ba Đình):
Cần một "nhà thầu" chuyên nghiệp và đủ năng lực

Tôi chưa thấy ở đâu, tình trạng vi phạm tại các điểm trông giữ phương tiện giao thông, nhất là ở khu vực trung tâm lại phổ biến như Hà Nội. Cùng với việc bùng nổ dân số cơ học và phương tiện cá nhân, không chỉ đường sá, kết cấu hạ tầng... mà ngay cả diện tích dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô cũng quá tải nghiêm trọng. Mấy năm gần đây, báo chí và người dân liên tục lên tiếng về nạn trông xe quá giá quy định, vi phạm lòng, lề đường... nhưng mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Trong đợt tổng kiểm tra các điểm trông giữ xe tại 10 quận nội thành vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện 400/1.016 điểm trông giữ phương tiện không có giấy phép. Phần lớn các điểm này đều căng dây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sân chơi, diện tích chung trong các khu tập thể... Phát hiện không khó, vậy mà không hiểu vì sao có tới 400 điểm trông giữ xe không phép ngay tại trung tâm thành phố? Đã đến lúc phải cho các doanh nghiệp đấu thầu trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố. Khi đã quy về một mối, chắc chắn việc quản lý sẽ dễ dàng hơn. Vấn đề ở đây là cần phải chọn được một "nhà thầu" chuyên nghiệp và có đủ năng lực.

Ông Nguyễn Hải Đăng (Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy):
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương

Thủ tục cấp phép trông giữ phương tiện giao thông nói chung và trông giữ xe ô tô nói riêng thời gian qua còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp làm thủ tục cấp phép không cần có xác nhận của chính quyền cơ sở nơi tổ chức điểm đỗ. Khi cấp phép, cơ quan chủ quản cũng không hỏi qua ý kiến của địa phương đó, chỉ có mỗi yêu cầu, trước khi hoạt động, doanh nghiệp phải thông báo với chính quyền phường sở tại, đặt địa phương vào tình thế việc đã rồi thì còn kiến nghị, đề xuất được gì nữa. Thế nhưng, khi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông thì địa phương "gánh chịu". Người dân kêu lên cơ quan chủ quản không thấu, phải kêu đến phường và rồi chính quyền địa phương lại phải bố trí lực lượng ứng trực tại "điểm nóng" đó để giải tỏa ùn tắc, bảo đảm ATGT, ANTT địa phương.

Theo tôi, cần có quy định trước khi tổ chức điểm trông giữ phương tiện giao thông ở đâu, cơ quan cấp phép phải tham khảo, tranh thủ ý kiến của chính quyền sở tại. Bởi lẽ, đây không phải là việc tăng thêm thủ tục hành chính, mà là để nắm bắt tình hình thực tế rõ ràng nhất để cấp phép sao cho phù hợp...

Ông Vũ Văn Vinh (nhà B6 Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng):
Tránh tình trạng "độc quyền" trong trông giữ phương tiện...

Lâu nay, các cơ quan chức năng cứ "loay hoay", tìm cách khắc phục tình trạng lộn xộn tại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố. Nơi này giao cho tư nhân quản lý, nơi khác lại giao cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng... Đây là một trong những lý do để người kinh doanh thỏa sức lộng hành. Họ đưa ra đủ lý do để tăng giá trông giữ phương tiện, như: địa điểm đẹp, thuận tiện; bãi trông giữ quá tải vì đông khách... Còn những dịp lễ, Tết hoặc những nơi có tổ chức các chương trình, sự kiện lớn, giá vé trông giữ phương tiện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần ngày thường. Kiểu kinh doanh chụp giật ấy gây rất nhiều bức xúc, bất bình trong dư luận. Việc "gói gọn" các bãi trông giữ xe dưới lòng đường tại các quận nội thành về một đầu mối là giải pháp hay, nhằm chấm dứt tình trạng lộn xộn, mỗi nơi một giá như hiện nay. Song, nếu không quản lý tốt, cách làm này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Một là, có bao nhiêu doanh nghiệp có đủ năng lực, chuyên môn để quản lý toàn bộ việc trông giữ phương tiện tại các quận nội thành Hà Nội? Hai là, chỉ giao cho một doanh nghiệp quản lý liệu có dẫn đến tình trạng "độc quyền" trong hoạt động tổ chức, kinh doanh? Nếu không lựa chọn chính xác doanh nghiệp có đủ năng lực, rất dễ dẫn đến tình trạng sau khi "trúng thầu" doanh nghiệp đó sẽ "bán cái" cho bên B, rồi bên B lại bán lại cho bên B'...

Ông Nguyễn Công Hồng (ngõ 89 phố Quan Nhân):
Cơ quan cấp phép phải có trách nhiệm cao nhất

Trong đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải có nói đến trách nhiệm của đơn vị được lựa chọn tổ chức trông giữ phương tiện là rà soát, sắp xếp lại mạng lưới đỗ xe. Theo tôi, để mình doanh nghiệp kinh doanh tự sắp xếp thì chưa đủ mà phải có cả trách nhiệm của đơn vị cấp phép các bãi đỗ xe. Trách nhiệm này thể hiện ở sự hiểu rõ tình hình thực tế nơi sẽ cấp phép trông giữ phương tiện, sự tính toán diện tích, mặt bằng trông giữ hợp lý và cả sự sâu sát trong suốt quá trình tổ chức hoạt động… Có như vậy mới bảo đảm việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, chứ không thể vì lý do "cầu" lớn hơn "cung" mà để doanh nghiệp trông giữ phương tiện có thể "tác yêu tác quái" như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có tạo thế độc quyền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.