(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) Việt Nam, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển VHDN trong cộng đồng DN cũng như toàn xã hội.
- Thưa ông, có thể hiểu như thế nào về khái niệm VHDN? Ông đánh giá thế nào về thực trạng VHDN Việt Nam hiện nay?
- Có thể nói, Việt Nam đã có VHDN, vì nếu không thì DN không thể tồn tại. Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế, DN phải chủ động trên nhiều lĩnh vực. Thực tế phát triển của các DN lớn trên thế giới cho thấy, DN nào xây dựng thành công VHDN thì DN đó sẽ thành công.
Khái niệm VHDN rất rộng, nhưng có biểu hiện khá cụ thể. Ví dụ như văn hóa sản xuất, kinh doanh của DN trước hết thể hiện ở chiến lược kinh doanh. Từ chiến lược kinh doanh ta sẽ thấy rõ mục tiêu kinh doanh của DN là gì, vì lợi nhuận đơn thuần hay còn vì lợi ích xã hội. VHDN thể hiện ở đạo đức kinh doanh; trách nhiệm của DN đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động, đối tác, khách hàng, người tiêu dùng. Nhiều DN trên thế giới quan niệm họ kiếm được đồng tiền từ xã hội thì phải có trách nhiệm xây dựng xã hội. Ở nước ta, một số DN cũng đã thực hiện trách nhiệm xã hội bằng nhiều việc thiện nguyện.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất của VHDN là trách nhiệm của DN đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nếu như trách nhiệm với môi trường tự nhiên là không khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường…, ai cũng có thể nhìn thấy, thì trách nhiệm với môi trường xã hội khó nhận biết hơn nhiều.
Ví dụ, truyền thống của người Việt Nam là yêu chuộng hòa bình, thương người như thể thương thân và từ xưa đến nay, việc giáo dục luôn hướng con người đến chuẩn mực đó, nhưng hiện tại, một số DN, hộ kinh doanh lại kinh doanh đồ chơi bạo lực cho trẻ em. Hành động này rõ ràng là không nên. Một DN đề cao yếu tố đạo đức, trách nhiệm xã hội thì sẽ không làm những việc “lệch chuẩn”.
- Theo ông, các DN nên căn cứ vào đâu để xây dựng VHDN?
- Như tôi đã nói, người Việt Nam giàu lòng yêu nước, luôn tự hào về truyền thống đại đoàn kết. Trong lịch sử, Việt Nam đã có những doanh nhân yêu nước như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi… Trong quá trình xây dựng VHDN, các DN nên kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để có thể tạo ra đội ngũ doanh nhân có tri thức, bản lĩnh và văn hóa, giỏi về khoa học công nghệ… Ngoài những đặc điểm chung, các DN cũng cần dựa vào sức mạnh nội lực để xây dựng văn hóa kinh doanh sao cho phù hợp với đặc thù của từng DN.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về việc xây dựng VHDN sẽ mang lại lợi ích gì cho DN và xã hội?
- Việc xây dựng thành công VHDN sẽ tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới. Xây dựng VHDN cũng là cách để các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Trong kinh doanh, thương hiệu có vai trò quyết định tới sự tồn tại, phát triển bền vững của DN. Quan trọng hơn, xây dựng VHDN sẽ tạo ra môi trường kinh doanh văn hóa, văn minh. Khi tất cả các DN cùng đề cao yếu tố văn hóa, văn minh thì đối tác, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng. Sản phẩm của DN Việt Nam sẽ được người tiêu dùng toàn cầu đón nhận.
- Nhà nước và các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng DN như thế nào trong quá trình xây dựng VHDN, thưa ông?
- Nhà nước đã, đang và sẽ hỗ trợ về nhiều mặt để các DN phát triển bền vững. Các DN có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển VHDN sẽ được tôn vinh. DN nào được đánh giá, tôn vinh bởi yếu tố văn hóa, đồng nghĩa với việc thương hiệu của DN đó ngày càng được củng cố; uy tín của DN với người tiêu dùng, với đối tác ngày càng được nâng cao. Ngược lại, DN nào không thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, có hành vi gây hại đối với người tiêu dùng thì sẽ bị chấn chỉnh, xử lý.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về VHDN. Bộ tiêu chí sẽ tập trung vào một số tiêu chí cốt lõi như tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người lao động… Bộ tiêu chí này sẽ được xây dựng theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện.
Tóm lại, VHDN là tài sản lớn nhất của DN. DN là tài sản của quốc gia. Đất nước có phát triển nhanh, toàn diện, bền vững hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các DN. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn cuộc vận động xây dựng VHDN nhận được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.