Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở để đánh giá cán bộ thực chất hơn

Nhóm phóng viên| 22/08/2020 07:00

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 20-8-2020.

Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được quy định chi tiết, gồm 4 nhóm: Nhóm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sẽ được dựa trên 5 tiêu chí cụ thể. Dư luận đánh giá, Nghị định sẽ là cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực chất hơn.

Người dân bấm nút đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa" UBND phường Văn Quán (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền

Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ):
Căn cứ để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự soi chiếu, tu dưỡng, rèn luyện

Thực tế cho thấy, dù công việc ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ. Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, thậm chí còn quan liêu, xa dân, vướng vào tiêu cực, lợi ích nhóm…

Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo tôi là rất cần thiết, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được dựa trên nhiều tiêu chí vừa cụ thể, vừa mang tính tổng quát cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Với những khung quy định cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ tự soi chiếu để nhận thấy ưu, khuyết điểm của mình trong thực thi nhiệm vụ để tu dưỡng, rèn luyện. Đồng thời, qua đó, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ công bằng, khách quan, loại bỏ việc đánh giá theo cảm tính.

Ông Lê Trọng Duẩn, 38 năm tuổi Đảng, Chi bộ 21, phường Đức Giang (quận Long Biên):
Siết chặt hơn để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực

Theo quy định mới, cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị “siết chặt” hơn trong khâu đánh giá theo nhiều tiêu chí mới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức.

Việc siết chặt khâu đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức theo quy định mới là rất cần thiết và bám sát tình hình thực tiễn. Thông qua đó sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh gọn; đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường, xã có tác phong chuyên nghiệp, thái độ hòa nhã, lịch thiệp, tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân.

Với những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức rất cụ thể, chi tiết theo từng nhóm đối tượng như quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, tôi tin rằng chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao hơn nữa...

Bà Ngô Nam Thắng, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa):
Cần quan tâm đến việc tiếp nhận ý kiến của người dân

Gia đình tôi nhận trợ cấp tại UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Tôi nhận thấy, không riêng gia đình tôi mà nhiều đối tượng bảo trợ khác khi đến phường Ô Chợ Dừa đều được giải quyết thấu đáo, bảo đảm hưởng đúng, hưởng đủ chế độ chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ biết bày tỏ lòng cảm kích đó qua lời cảm ơn mỗi khi gặp gỡ và tiếp xúc với cán bộ ở đây.

Với Nghị định 90/2020/NĐ-CP, những hạn chế này sẽ được khắc phục vì trong đó đề cập tiêu chí không kém phần quan trọng để xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chính là sự hài lòng của nhân dân khi tiếp xúc, giải quyết công việc. Để người dân đến giải quyết công việc tại cơ sở có thể đánh giá mức độ hài lòng hay không hài lòng với cán bộ, công chức, viên chức, thiết nghĩ, khi triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí mới, cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc xây dựng cơ chế tiếp nhận ý kiến của người dân một cách thuận tiện, hiệu quả để công tác đánh giá được chính xác hơn.

Ông Trịnh Đình Phùng, 37 năm tuổi Đảng, Chi bộ thôn Nhuế, xã Kim Chung (huyện Đông Anh):
Việc xếp loại cán bộ, công chức, viên chức công khai, toàn diện hơn

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã có những điểm mới so với quy định đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trước đây. Việc sử dụng kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức không chỉ là căn cứ quan trọng để thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức mà còn liên thông với đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên.

Trước đây, chỉ thông báo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức bằng văn bản cho người được đánh giá biết thì Nghị định số 90/2020/NĐ-CP yêu cầu thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bằng văn bản và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử. Việc này giúp việc xếp loại cán bộ, công chức, viên chức công khai, toàn diện, minh bạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở để đánh giá cán bộ thực chất hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.