(HNM) - Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23-5-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Xuất phát từ góc nhìn thực tiễn, bài viết đưa ra những lý lẽ sâu sắc, luận cứ, lý giải thuyết phục, tạo cơ sở niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
1. Về lý luận, bài viết khẳng định chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn giành được thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đột phá lý luận cơ bản, thể hiện trí tuệ, sáng tạo, bản lĩnh Hồ Chí Minh và Đảng ta, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Người và cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nói về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Việt Nam, cần phải hiểu thấu đáo vấn đề này thì mới trả lời được câu hỏi: “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?".
Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, nhiệm vụ hàng đầu là phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Tức là độc lập dân tộc phải đi tới và gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là thước đo giá trị của độc lập dân tộc.
Lý luận căn cốt về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua lý giải mối quan hệ giữa độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Hồ Chí Minh khẳng định ngay khi Đảng ra đời, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lại quan điểm của Đảng trong đổi mới: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
2. Về thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh từ góc nhìn ở Việt Nam trên ba phương diện chủ yếu.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta định hình và định hướng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa xã hội khoa học Mác - Lênin, nhưng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Chúng ta luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đảng đổi mới tư duy, từng bước nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan có tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội xuất phát từ một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học - kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai là, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn trước đổi mới giúp Đảng ta từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi còn một số quan niệm đơn giản về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần phải khẳng định rằng Đảng và nhân dân ta đã làm được những việc tưởng không thể lại có thể. Đó là đồng thời vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Giá trị của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là sức mạnh, nguồn cảm hứng vô tận để nhân dân miền Nam và đồng bào cả nước hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ba là, thực tiễn sống động nhất là qua 35 năm đổi mới. Bài viết điểm lại tình hình Việt Nam trước đổi mới vốn là một nước nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn về người, của và môi trường sinh thái. Nước ta cũng bị Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận, lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm thiếu thốn làm cho khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Trong 35 năm đổi mới, đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nước ta; đại dịch Covid-19; thiên tai, bão lụt; các thế lực thù địch chống phá điên cuồng.
Trong muôn vàn khó khăn to lớn, phức tạp đó, chúng ta vẫn xác định “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chúng ta kiên trì, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đạt tới “các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. Chúng ta hướng tới sự phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai với một hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân. Tóm lại, xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là vì lợi ích của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.