(HNMO)- Trong khi đa số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn đứng hoặc giảm giá thì những cổ phiếu nhỏ và vừa lại hiện sắc xanh, thậm chí là tăng kịch trần. Kết thúc phiên, VN-Index giảm hơn 1 điểm.
Phiên giao dịch hôm qua, VN-Index tăng điểm và vượt mốc 620 điểm. Tuy nhiên chỉ số chung của thị trường đang đối diện với khu vực kháng cự mạnh, do đó, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán FPT cho rằng, các hoạt động giao dịch mở rộng danh mục nên được hạn chế, đặc biệt là khi chỉ số chưa xác nhận tín hiệu bứt phá khỏi đỉnh cũ.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trong phiên tăng 2/6, đã xuất hiện một số nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận tăng giá nhưng sự phân hóa của dòng tiền vẫn còn khá lớn, chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình.
Theo FPTS thời điểm hiện tại không ủng hộ cho các giao dịch mua đuổi giá cao. Nhà đầu tư đã có sẵn cổ phiếu nên áp dụng chiến lược đeo bám chỉ số. Theo đó, danh mục sẽ được giữ nguyên và chỉ giải ngân hoặc hạ dần tỷ trọng nếu các tín hiệu xu hướng được xác nhận bởi chỉ số thị trường.
Ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên phiên hôm nay, bán ra đã là lựa chọn chính của nhà đầu tư, vì thế VN-Index hạ 0,16 điểm, xuống 623,21 điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục, sức cung gia tăng khiến thị trường không những giảm mà còn giảm mạnh hơn, có thời điểm chỉ số chung giảm xuống sát 621 điểm.Tuy nhiên, sắp hết giờ giao dịch sáng, VN-Index giảm chậm lại: VN-Index hạ 0,67 điểm, còn 622,7 điểm; VN30-Index còn 620,37 điểm, giảm 0,81 điểm.
Phiên này nhìn chung thị trường giao dịch chậm, các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa chứ không nhất loạt lên giá hoặc giảm giá. Chẳng hạn, tại nhóm chứng khoán, AGR và SSI giữ giá, HCM và BSI tăng 300 đồng và 200 đồng. Ở nhóm ngân hàng, BID, CTG giữ giá, EIB, STB và MBB hạ 200 đồng. Tại nhóm dầu khí GAS đứng giá tham chiếu, PTL tăng kịch trần 100 đồng, PXT tăng trần 500 đồng, PVD cộng 700 đồng, PXI tăng 100 đồng trong khi PVT hạ 200 đồng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch như vậy là tích cực bởi OPEC không đạt được thỏa thuận hạn ngạch khai thác dầu khiến giá dầu thế giới đi xuống.
Một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như BVH, VNM, VIC giữ giá. Đáng chú ý, VNM giảm 2.000 đồng đã tác động lớn đến sự đi xuống của chỉ số chung. Ngoài ra, HAG, FPT cũng giảm điểm.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn và dẫn dắt thị trường khá yếu thì dòng tiền lại tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp các mã này tăng giá: CYC, HHS, FIT, LCG, VNH, VNA, NVT, VHG…
Số cổ phiếu tăng-giảm giá ngang bằng, lần lượt là 101 mã và 98 mã. Giống như phiên hôm trước, giao dịch trên thị trường không cao. Tổng cộng có gần 70 triệu cổ phiếu và hơn 1.000 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Trái ngược với sàn TP HCM, trên sàn Hà Nội, các chỉ số tại đây đều đi lên nhờ sức cầu tiếp tục ổn định: HNX-Index nhích 0,32 điểm, lên 82,78 điểm; HNX30-Index đạt 149,63 điểm, cộng 1,12 điểm; HNX30TRI-Index tăng 1,33 điểm, lên 178,15 điểm. Toàn sàn có 35,689 triệu cổ phiếu và 366,177 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Sang buổi chiều, các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn vừa và nhỏ tiếp tục thu hút dòng tiền nên khá nhiều mã thuốc nhóm này lên giá như: FIT, HAR, HHS, HU3, ITC, KSH, LCM, MCG, NVT, STT…Không những thế, một số mã trong nhóm này còn có giao dịch rất tốt, trong đó HHS đạt lượng giao dịch lớn nhất thị trường với hơn 7 triệu cổ phiếu được sang tay.
Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu trụ cột có tính dẫn dắt thị trường có một số mã giảm giá như GAS hạ 1.000 đồng/cổ phiếu, VNM mất 2.000 đồng/cổ phiếu. Chính sự đi xuống của hai trụ cột này đã khiến chỉ số chung giảm mạnh hơn buổi sáng: VN-Index giảm 1,49 điểm, còn 621,88 điểm; VN30-Inde hạ 0,13 điểm, về 621,05 điểm. Giao dịch trên thị trường tương đương với phiên trước, đạt 124,293 triệu cô phiếu và 2.132 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn Hà Nội tiếp tục giao dịch tích cực với các chỉ số chính tại đây đều lên điểm: HNX-Index nhích 0,21 điểm, lên 82,66 điểm; HNX30-Index đạt 149,44 điểm, cộng 0,92 điểm; HNX30TRI-Index tăng 1,1 điểm, lên 177,92 điểm. Giao dịch đạt hơn 60 triệu cổ phiếu và 617,729 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.