(HNMO)- Tất cả 5 mã ngành này được niêm yết trên sàn TP HCM đều giảm giá. Vn-Index chỉ cầm cự được trong phiên buổi sáng, đến phiên buổi chiều đã đảo chiều đi xuống bởi lực bán ra mạnh.
Ảnh minh họa |
Tiếp đà giảm của phiên hôm qua, ngay ở đợt khớp lệnh đầu tiên trong phiên giao dịch ngày 19-2 tại sàn TP HCM Vn-Index giảm 0,55 điểm (-0,11%), xuống 493,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 4,42 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 55,642 tỷ đồng.
Đến đợt khớp lệnh liên tục, lúc đầu lực bán ra vẫn nhiều hơn mua vào khiến hàn biểu thử tiếp tục xuất hiện màu đỏ, tuy nhiên, cũng có thời điểm thị trường chuyển sang màu xanh. Mặc dù vậy, sắc xanh cũng không giữa được lâu. Tuy vậy, đến giờ nghỉ trưa Vn-Index tăng nhẹ 0,92 điểm, tương đương 0,19%, lên mức 494,87 điểm; Vn30-Index tạm dừng ở mức 574,6 điểm, nhích 0,17 điểm (+0,03%).
Hôm nay cổ phiếu ngành ngân hàng bán mạnh, có thể do kết quả kinh doanh của một số mã trong ngành vừa được công bố không khả quan. Theo kết quả vừa được công bố, quý 4-2012 Sacombank lỗ 871 tỷ đồng; Eximbank có lãi nhưng mức lãi giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; PVFC cũng báo lỗ. Thêm vào đó, ở thời điểm trước Tết nguyên đán, các mã này đã tăng nóng nên hôm nay nhà đầu tư chốt lời.
Trong phiên sáng nay, CTG và STB cùng giảm 400 đồng/cổ phiếu, EIB mất 200 đồng/cổ phiếu, VCB hạ 100 đồng/cổ phiếu; riêng MBB giữ giá tham chiếu; mã tài chính PVF giảm 300 đồng/cổ phiếu. Cùng với các mã lớn trên, DPM, FPT, GAS, NTL, PPC, PVF cũng giảm giá.
Tuy nhiên, nhờ sự đi lên của nhiều mã lớn khác như BVH, DHG, DIG, DXG, GMD, HAG, ITA, KBC, SAM, SJS, VIC, VIC đã giúp thị trường tránh được một phiên giảm điểm, vẫn đi lên dù cho số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng giá. Thị trường ghi nhận 95 mã đi lên trong khi có 107 mã đi xuống, còn lại là giữ giá tham chiếu.
Hôm nay, lực bán ra mạnh nhưng lực mua vào cũng khá lớn, nhờ đó giao dịch trên thị trường sôi động với số chứng khoán được chuyển nhượng cao. Tổng cộng có 71,481 triệu đơn vị được giao dịch thành công, tương ứng giá trị 985,502 tỷ đồng.
Mặc dù phiên sáng nay thị trường đi lên nhưng trong ngắn hạn, sự xuất hiện của phiên điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn do các chỉ số vẫn đang phải đối mặt với các mốc kháng cự quan trọng. Ngoài ra, diễn biến theo mùa vụ của chỉ số CPI trong tháng 2/2013 cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định nhà đầu tư trong thời gian ngắn tới đây. Còn về trung hạn, FPTS cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục diễn biến tích cực.
Trên sàn Hà Nội, mặc dù số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế (80 mã tăng, 99 mã giảm) nhưng HNX-Index vẫn nhích 0,06 điểm (+0,09%), lên 66,80 điểm; HNX30-Index tạm dừng ở mức 133,56 điểm sau khi tăng 0,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 58,33 triệu cổ phiếu, giá trị chuyển nhượng là 458,212 tỷ đồng.
Tại đây, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đồng loạt xuống giá. ACB và SHB cùng hạ 100 đồng/cổ phiếu. SHB có sự đóng góp lớn về thanh khoản trong phiên này khi có tới hơn 12 triệu cổ phiếu được sang tay.
Đến phiên buổi chiều, nhà đầu tư lại chuyển sang đẩy mạnh bán ra khiến cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo. Lực cung khá lớn trong khi đó lực cầu yếu, số cổ phiếu khớp lệnh trong phiên chiều không cao. Tính cả phiên trong ngày toàn thị trường có gần 90 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, tương ứng giá trị ngót 1.200 tỷ đồng. Đóng cửa thị trường, Vn-Index dừng ở mức 490,78 điểm, giảm 3,17 điểm (-0,64%); VN30-Index hạ 4,21 điểm, tương đương 0,73 điểm, xuống 570,22 điểm.
Khác với phiên buổi sáng, buổi chiều tất cả cổ phiếu ngành ngân hàng đều xuống giá: CTG và EIB cùng mất 300 đồng/cổ phiếu, STB hạ 200 đồng/cổ phiếu, MBB giảm 100 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 400 đồng/cổ phiếu; PVF giữ giá tham chiếu.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đảo chiều giảm 0,49 điểm (0,73%), xuống 66,25 điểm; HNX30-Index nhích 0,53 điểm, lên 133,56 điểm. Toàn thị trường có 103,990 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị đạt 845,375 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.