Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phiếu May Việt Tiến “cháy hàng” ngày chào sàn UPCoM

Thanh Hương| 10/03/2016 13:55

(HNMO) – Sáng nay (10/3), 28 triệu cổ phiếu VGG của Tổng CTCP May Việt Tiến chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM, tương ứng với giá trị đăng ký giao dịch là 280 tỷ đồng.


VGG có giá tham chiếu trong ngày đầu tiên giao dịch là 40.000 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Upcom, cổ phiếu VGG đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, tăng tới 16.000 đồng, lên 56.000 đồng/cổ phiếu. Lúc hơn 1h chiều, trong khi bên mua mã VGG còn rất nhiều cổ phiếu thì bên bán trống trơn. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu chờ  mua ở mức giá 56.000 đồng/cổ phiếu.

Ngành dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng kép 21,6%/năm. Đây là một trong những lý do khiến VGG có sức hút như vậy. Thêm vào đó, với kinh nghiệm 30 năm trong ngành hàng thời trang công sở tại Việt Nam, VGG sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước nên được kỳ vọng sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt.

VGG lên sàn Upcom vào sáng nay


Đối với thị trường nội địa, VGG cho ra đời nhiều sản phẩm như: áo sơ mi, quần tây, veston, áo thun, quần jeans, quần short, … VGG cũng hướng tới ba phân khúc đối tượng khách hàng khác nhau với các nhóm nhãn hiệu hiệu sản phẩm khác nhau: Sanciaro, Manhattan, TT-up dành cho người có thu nhập cao; Việt Tiến, Viettien Smartcasual dành cho người có thu nhập từ trung bình đến khá; và Việt Long nhắm đến người tiêu dùng có thu nhập trung bình thấp đang chiếm số đông. VGG hiện đứng đầu hệ thống phân phối rộng rãi, phân bổ đều khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cửa hàng, đại lý độc quyền bán sản phẩm may mặc của mình, VGG còn phối hợp với các cửa hàng dệt may khác cùng phân phối các sản phẩm hàng may mặc Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Với thị trường xuất khẩu, VGG đang giao dịch với trên 30 khách hàng thuộc các nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, châu Âu (Anh, Pháp, Đức…), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia, …), Australia.

Tổng Công ty này hiện sở hữu 4 công ty con bao gồm: Công ty TNHH May Thuận Tiến (sở hữu 82,5% vốn điều lệ), Công ty TNHH May Tiến Thuận (85,9%), Công ty TNHH Nam Thiên (83,6%) và Công ty TNHH Việt Tiến Meko (51%). Trong 2 năm 2013 và 2014, VGG cán mốc doanh thu lần lượt 4.789 tỷ và 5.416 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ và 312,7 tỷ đồng (tăng 26,1%).

Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2015, ngành dệt may có rất nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt cơ hội xuất khẩu hàng hóa rất lớn khi hàng rào thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, TPP cũng mang đến thách thức về quy tắc xuất xứ khi yêu cầu chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may chú trọng nhiều hơn nữa trong khâu chủ động nguồn nguyên liệu.

Năm 2016, năm đầu tiên kể từ sau khi Hiệp định TPP được ký kết, VGG đặt mục tiêu doanh thu 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, ROE 47,6%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến tối thiểu 20%. Theo kế hoạch đặt ra, VGG sẽ đẩy nhanh việc tăng tỷ trọng hàng hóa tự chủ nguyên phụ liệu (FOB) để tập trung sản xuất hàng xuất khẩu do Tổng Công ty thiết kế mẫu (ODM), phấn đấu tăng tỷ trọng chiếm 5 -7% tổng doanh thu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu May Việt Tiến “cháy hàng” ngày chào sàn UPCoM

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.