(HNM) - Việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được xác định là giải pháp chủ yếu của quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã đề ra 10 giải pháp quan trọng để tích cực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước từ nay đến cuối năm.
Cổ phần hóa, thoái vốn đều đạt tỷ lệ dưới 30%
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, không có doanh nghiệp nhà nước nào thực hiện cổ phần hóa. Cục chỉ nhận được báo cáo cổ phần hóa của 3 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang (phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2019).
Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 5-2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp đã cổ phần hóa trên, chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt tỷ lệ 28,1% so với kế hoạch.
Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ ra những đơn vị, địa phương còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020. Đó là: Thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp (trong đó có 11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; thành phố Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), tương đương 14% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 đơn vị (3 tập đoàn, 3 tổng công ty)...
Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, tình hình thoái vốn tại doanh nghiệp cũng không sáng sủa hơn. Trong 4 tháng đầu năm 2020, chỉ có 7 trong tổng số 28 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 với giá trị 87 tỷ đồng, thu về 252 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị 25.458 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 99 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg (đạt tỷ lệ 25% kế hoạch), với giá trị 4.791 tỷ đồng...
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua là rất chậm. Nhiệm vụ trong hơn 7 tháng còn lại của năm 2020 là vô cùng nặng nề, khi ước tính phải thu khoảng 45.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước về ngân sách.
Trong bối cảnh đó, có một tín hiệu vui khi mới đây Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố kết quả xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 46.102 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là hơn 26.506 tỷ đồng. Dự kiến, phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2020 và sẽ thực hiện chào bán công khai cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 12-2020, bảo đảm đúng tiến độ.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần nêu rõ danh mục từng doanh nghiệp với tỷ lệ vốn nhà nước sẽ giữ lại, giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để chủ động và yên tâm trong việc chuẩn bị và ra quyết định đầu tư. Còn Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, cần đẩy mạnh việc gắn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, qua đó nâng mức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khi đó, theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan là những vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động…, nên việc cổ phần hóa, thoái vốn bị kéo dài thời gian so với kế hoạch.
Chia sẻ kinh nghiệm cổ phần hóa thành công, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho rằng, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của tập đoàn thì sự nghiêm túc, tích cực của lãnh đạo EVNGENCO2 đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc thực hiện khâu xác định giá trị doanh nghiệp.
Để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính vừa đưa ra 10 giải pháp. Trong đó, tiếp tục phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn. Cùng với đó, Bộ đang đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
“Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 phải hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Đặng Quyết Tiến thông tin.
Một biện pháp quan trọng khác là người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.