(HNM) - Để phục vụ sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại trong giai đoạn mới, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng. Hoạt động trong lĩnh vực này, VNPT Hà Nội được coi là doanh nghiệp chủ lực của thành phố.
Tuy nhiên, để duy trì việc sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng với chất lượng cao của khách hàng Thủ đô trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt là điều không đơn giản. Bên cạnh đó, VNPT còn tham gia vào nhiều hoạt động của thành phố nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển và sự vận hành thông suốt của bộ máy hành chính. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc VNPT Hà Nội Tô Dũng Thái xung quanh các vấn đề liên quan đến cạnh tranh và sự phát triển của đơn vị này.
Giám đốc VNPT Hà Nội Tô Dũng Thái. |
Thị trường vẫn luôn rộng mở
- Thị trường viễn thông hiện nay được coi là đã bão hòa. Là nhà cung cấp dịch vụ, hoạt động trên địa bàn Thủ đô - nơi có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp (DN) trong ngành, vậy VNPT Hà Nội có giải pháp gì để duy trì vị trí là DN chủ lực về viễn thông (VT) và công nghệ thông tin (CNTT)?
- Nói thị trường viễn thông bị bão hòa, tôi cho là chưa chính xác, chẳng hạn như dịch vụ cố định sụt giảm là do thói quen tiêu dùng vì nhiều người chuyển sang sử dụng di động… Tôi cho rằng thị trường viễn thông chỉ bão hòa ở một số mảng dịch vụ và còn nhiều dịch vụ có thể khai thác, phát triển. Với VNPT Hà Nội, hiện Vinaphone mới chỉ đạt 28% thị phần dịch vụ và sau khi chúng tôi củng cố lại kênh bán hàng với phương châm chủ động tìm khách hàng thì thuê bao Vinaphone đã tăng trưởng rất tốt từ tháng 7 đến nay. Hay với dịch vụ internet, thời cao điểm nhất có hơn 350.000 thuê bao MegaVNN, nay có giảm nhẹ, phần lớn do chuyển sang FiberVNN (cáp quang), từ tháng 5 đến nay mỗi tháng phát triển mới 4.000 thuê bao, hiện có khoảng 40.000 thuê bao, nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đúng nhu cầu thị trường. Như vậy, không phải do thị trường bão hòa mà là do chúng ta làm chưa tốt để phát triển khách hàng.
- Được thành phố lựa chọn là nhà cung cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trên địa bàn, tuy nhiên với lĩnh vực phần mềm, hoặc các dịch vụ giá trị gia tăng, dường như hoạt động còn khá khiêm tốn. Vậy VNPT Hà Nội có đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực này?
- Có thể nói về các sản phẩm ứng dụng CNTT chúng tôi làm chưa tốt. Nhưng đây là thị trường còn rất mới, bản thân VNPT và các đơn vị khác cũng còn không ít lúng túng. Song việc đưa ra các sản phẩm CNTT (với doanh nghiệp CNTT) cũng như ứng dụng CNTT (với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp) là mục tiêu lâu dài. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không chỉ cần điện thoại, internet mà cần những sản phẩm CNTT để quản trị tại đơn vị mình… Chúng tôi chủ động gặp gỡ các sở, ngành của thành phố để giới thiệu các sản phẩm ứng dụng CNTT và VNPT Hà Nội đã sẵn sàng cung cấp các phần mềm quản lý chuyên ngành từ y tế, trường học, đất đai, tài nguyên nước, quy hoạch đô thị, xây dựng...
- Ông vừa nói đến sự tăng trưởng của thuê bao cáp quang FiberVNN. Song có một thực tế là một số khu vực nội thành, người dân có nhu cầu lắp đặt song chưa được đáp ứng?
- Trước hết, tôi muốn nói đến việc đầu tư. Đầu tư cáp quang giai đoạn đầu rất tốn kém, trong khi giữa các đơn vị có sự cạnh tranh quyết liệt. Do vậy, cần xác định thị trường như thế nào để đầu tư, phải có nghiên cứu rõ ràng và chỉ đầu tư dựa trên tính toán đến hiệu quả, nếu đầu tư vào một chỗ mà khách hàng chưa có (hoặc nhu cầu thấp) thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Do đó chúng tôi chỉ thực hiện đầu tư ở những khu vực có tiềm năng và chọn giải pháp đặt trước các đường cáp ngầm chờ sẵn… Hiện nay VNPT Hà Nội đang triển khai mục tiêu phủ cáp quang đến toàn bộ các xã trên địa bàn thành phố (hiện mới đến trung tâm xã).
Cơ hội từ cách làm bài bản
- Năm 2014 được UBND thành phố chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, để triển khai chủ trương đó, Hà Nội đã và đang thực hiện việc thanh thải những đường dây, cáp nổi không sử dụng do các “nhà mạng”, “nhà đài” cố tình bỏ lại, gây mất mỹ quan đô thị… Là doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội, lại có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này, vậy trách nhiệm của VNPT thế nào?
- Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Hà Nội và có một quá trình dài gắn bó với thành phố. Những năm trước khi đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng còn khó khăn, trật tự đô thị không như hiện nay. Cá nhân tôi cũng không tưởng tượng nổi về tình trạng dây dợ lằng nhằng, chùng võng, giăng như “mạng nhện” ở nhiều tuyến phố... Và việc cơ quan quản lý nhà nước “ra tay” là hoàn toàn đúng. Xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại cần phải như vậy. Từ năm 2000, bắt đầu thực hiện chiến lược tăng tốc, VNPT đã có chủ trương thực hiện ngầm hóa dây cáp thông tin và chúng tôi đã tự đầu tư hạ ngầm tại một số tuyến phố, ví dụ rõ nét nhất là tại các khu phố cổ. Sau đó vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, VNPT Hà Nội tham gia đầu tư hạ ngầm thêm nhiều tuyến phố, khu đô thị, vì vậy trong khu vực nội thành chúng tôi có không nhiều dây thông tin đi nổi. Chúng tôi luôn xác định, muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì phải làm ăn quy củ, nếu không sẽ không đủ thời gian, nhân lực đi giải quyết các sự cố.
- Được biết, nhiều doanh nghiệp cũng có cùng suy nghĩ như ông. Tuy nhiên để thực hiện việc hạ ngầm dây, cáp thông tin lại không đơn giản, nói cách khác là “lực bất tòng tâm”?
- Đúng là việc hạ ngầm dây, cáp thông tin, chi phí ban đầu khá lớn, song thời gian sử dụng dài, có thể tới 20 năm, trong khi treo ngoài trời chỉ được vài năm. Một vấn đề nữa là khi triển khai dự án hạ ngầm kỹ thuật thường chậm hơn kéo nổi, dẫn đến chậm hơn so với đối thủ kinh doanh - có thể ảnh hưởng đến phát triển thuê bao. Mặt khác, khi sửa chữa sự cố phải xin phép cơ quan quản lý để được mở cống, bể cáp, tránh vào những giờ cao điểm nên ảnh hưởng đến thời gian khắc phục...
- Tốn kém và bất tiện như vậy, tại sao VNPT vẫn chủ động thực hiện?
- Như đã nói, việc gương mẫu thực hiện là trách nhiệm của chúng tôi. Mặt khác, khi cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý thì lại mở ra cơ hội cho chúng tôi từ việc đầu tư kinh doanh bài bản. Thực tế cho thấy, trong các đợt thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi vừa qua, có nhiều nhà cung cấp bị ảnh hưởng, phải mất 5-7 ngày, thậm chí nhiều hơn nữa mới khắc phục được, dẫn đến không ít khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của VNPT Hà Nội.
- Phải chăng việc đầu tư hạ ngầm kỹ thuật tốn kém cũng là lý do khiến giá cước một số dịch vụ như internet của VNPT Hà Nội không rẻ hơn so với đối thủ (cụ thể cước cáp quang của VNPT giá khoảng 200.000 đồng/tháng, trong khi có doanh nghiệp quảng cáo chỉ 135.000 đồng/tháng)?
- Quan điểm của chúng tôi là không cạnh tranh bằng giá rẻ, mà là cạnh tranh với giá cả phù hợp và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ. Hiện chúng tôi là nhà cung cấp xử lý sự cố nhanh nhất (điều này đã được Bộ TT-TT khẳng định trong các báo cáo đánh giá tiêu chuẩn chất lượng công bố hằng năm) và đó chính là khẳng định chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
- Vậy còn với dịch vụ Vinaphone, VNPT Hà Nội có giải pháp gì để nâng cao thị phần tại Hà Nội?
- Không chỉ chịu trách nhiệm kinh doanh, hiện tập đoàn đã giao cho VNPT Hà Nội quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát triển trạm thu phát sóng, như vậy có thể hiểu VNPT Hà Nội bán hàng kèm theo nâng cao chất lượng hàng hóa. Từ đó, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ bán hàng, chất lượng vùng phủ sóng Vinaphone… Cả VNPT Hà Nội và Vinaphone đã thực hiện test xong mạng lưới cùng những giải pháp khắc phục từ khâu tổ chức đến tiếp thị, truyền thông. Tôi tin rằng, số thuê bao di động Vinaphone sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Tái cơ cấu - Yêu cầu từ thực tế
- Vấn đề tái cơ cấu VNPT đã được nhắc đến trong nhiều năm qua, nhiều thông tin cho rằng “sức nóng” tái cơ cấu đã “hầm hập” với đội ngũ CBCNV VNPT… Vậy ở Hà Nội như thế nào?
- Từ ngày 1-5, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện giao khoán công việc, sản phẩm và nhân viên thực hiện rất tốt. Ví dụ, đội ngũ kỹ thuật bố trí trực sửa chữa ngoài giờ , đội ngũ bán hàng được giao khoán sản phẩm và có không ít người thu nhập cao hơn trước, cao hơn cả lãnh đạo…
Với VNPT Hà Nội, việc tái cơ cấu chia làm hai giai đoạn, từ ngày 1-10: Công ty Dịch vụ viễn thông sáp nhập với Trung tâm Dịch vụ khách hàng thành Trung tâm Kinh doanh; các “lõi” của hệ thống chuyển mạch sẽ chuyển từ các công ty điện thoại về Trung tâm Điều hành thông tin quản lý. Từ ngày 1-11-2014 sẽ không còn 3 công ty điện thoại như hiện nay mà được chia thành 9 trung tâm viễn thông (có nhiệm vụ gần như các trung tâm viễn thông hiện nay). Mục tiêu là giảm một cấp quản lý trung gian, chuyển thẳng từ VNPT Hà Nội xuống các đơn vị sản xuất trực tiếp. Quá trình tái cơ cấu khối chức năng không nhiều, với hơn 10% tổng CBCNV (ví dụ VNPT Hà Nội có 4.100 CBCNV thì khối gián tiếp tại tất cả các đơn vị không quá 410 người), còn lại là các lực lượng tham gia trực tiếp sản xuất. Có thể nói việc tái cơ cấu là “cuộc cách mạng” lớn nhất từ trước đến nay của VNPT nói chung và VNPT Hà Nội nói riêng.
- Phải giảm một số lượng lớn lao động “bàn giấy” xuống trực tiếp sản xuất, vậy ban lãnh đạo có hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ?
- Tất nhiên đội ngũ lãnh đạo trung gian trước đang phụ trách các vấn đề “lớn”, nay làm “nhỏ”, tư tưởng có “rung rinh” một chút - Đó cũng là điều tất yếu. VNPT Hà Nội đang phải đối mặt với những vấn đề độ tuổi người lao động trung bình cao, cấu trúc hoạt động không phù hợp, năng suất lao động thấp… và nếu cứ duy trì như vậy, doanh nghiệp không thể phát triển. Quả thực đây là bài toán đau đầu nhất với chúng tôi, còn những thứ khác không đáng lo ngại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều CBCNV ủng hộ sự thay đổi này và họ là những người yêu ngành, yêu nghề, đau đáu cho tập thể, mong muốn đơn vị phát triển. Hy vọng tái cơ cấu sẽ là luồng gió mới để tất cả cùng tiến lên.
- Tổng Giám đốc tập đoàn từng cho biết, một trong những biện pháp thực hiện tái cơ cấu là giảm số lao động (khoảng 5.000 người), vậy VNPT Hà Nội triển khai việc này như thế nào?
- Tái cơ cấu về nguyên tắc là giảm lượng lao động, sau khi sắp xếp lại nếu thiếu sẽ tuyển mới có thời hạn. Nhưng chúng tôi đã thực hiện bằng cách vận động người lao động tự nguyện nghỉ chế độ. Từ đầu năm đến nay VNPT Hà Nội đã vận động được 64 người nghỉ chế độ hầu hết là người lớn tuổi. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, tập đoàn có quỹ sử dụng lao động dôi dư. Theo tính toán, nếu một người lao động làm 30 năm khi nghỉ chế độ được hỗ trợ khoảng hơn 100 triệu đồng. Những người nghỉ chế độ trước thời hạn này đều được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định của Nhà nước. Đây cũng là cách giải quyết thuyết phục, bảo đảm quyền lợi người lao động.
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.