(HNM) - Sự cố rã lưới hệ thống điện miền Nam ngày 22-5 vừa qua đã phần nào phản ánh thực trạng của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện các miền.
Đó là công suất nguồn giữa các vùng miền chưa cân đối, nhiều dự án điện, nhất là ở phía Nam còn chậm nên phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc, miền Trung vào. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ, khắc phục tình trạng này.
Trạm biến áp 500kV Thường Tín hoạt động đã bổ sung cho lưới điện quốc gia hệ thống truyền tải mới, bảo đảm sự luân chuyển kịp thời dòng điện giữa ba miền Nam - Trung - Bắc. Ảnh: Lê Tuấn |
Không kinh nghiệm, thiếu năng lực vẫn được chỉ định
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện và thủy điện. Nhưng đến nay, các dự án Vũng Áng 1, Long Phú 1 và Thái Bình 2 đã bị chậm tiến độ ít nhất một năm so với quy định. Nếu so với kế hoạch phát điện, có thể sẽ còn chậm hơn vì hiện nay dự án Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 chưa khởi công.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân là các tổng công ty trong PVN được chỉ định là tổng thầu EPC đều là đơn vị xây lắp ngành dầu khí, không có kinh nghiệm, không đủ năng lực quản lý và chuyên môn làm tổng thầu EPC các nhà máy nhiệt điện than lớn. Năng lực tài chính không đáp ứng nên quá trình triển khai đều chậm. Từ tình hình tài chính và thực tế triển khai dự án tại PVN, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển dự án Nhiệt điện Long Phú 3 đang do PVN làm chủ đầu tư sang hình thức BOT và thay nhà đầu tư mới để đẩy nhanh tiến độ.
Vốn và giải phóng mặt bằng vẫn… nóng
Trong hai năm 2011-2012, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) đã đưa vào vận hành 89 công trình lưới điện 500kV-220kV với tổng chiều dài đường dây trên 2.300km, tổng công suất các trạm biến áp (TBA) tăng thêm là 12.120 MVA. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến đưa vào vận hành 227 công trình lưới điện 500kV-220kV với tổng chiều dài đường dây 9.275km và tổng dung lượng TBA trên 33.000 MVA. Theo Ban Chỉ đạo quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011-2013, khối lượng đầu tư các dự án 500kV đạt trên 90%; khối lượng thực hiện đối với các dự án 220kV chỉ đạt 76,8% về trạm và đường dây chỉ đạt 70,3%. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn cho các dự án lưới điện cấp bách và khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB).
Việc triển khai vay vốn cho công trình nguồn, lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và EVN NPT gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại trong nước không đủ vốn cho vay, lãi suất vay cao và tỷ lệ dư nợ vốn vay của EVN đã vượt quá giới hạn tín dụng cho vay tại hầu hết ngân hàng. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, EVN đã hỗ trợ ứng vốn cho EVN NPT. Về lâu dài, Bộ Công thương đang xem xét tăng giá truyền tải điện bảo đảm NPT có thể trang trải chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý, tăng tín nhiệm tài chính để có thể thu xếp vốn cho phát triển lưới điện. Xem xét đề nghị của NPT ban hành phí đấu nối nhà máy vào hệ thống để các bên có trách nhiệm thực hiện cam kết, bảo đảm tiến độ dự án.
GPMB vốn là công tác khó khăn nhất đối với hầu hết công trình, nhưng với lưới điện lại càng khó khăn. Một công trình phải đi qua nhiều địa phương, chính sách giá đền bù, hỗ trợ mỗi địa phương một khác nên các hộ dân ganh tị, không chịu nhận tiền đền bù. Vài năm gần đây, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà tạm với diện tích lớn trong các vị trí móng, hành lang tuyến để trục lợi tiền đền bù, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Cũng có địa phương "không thích" công trình trạm điện và đường dây đi qua địa phương. Đơn cử, tỉnh Bình Dương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không đặt các TBA 500kV Mỹ Phước và Bình Dương tại tỉnh, mặc dù 2 trạm này có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo đảm cung cấp điện khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là cho TP Hồ Chí Minh. Bộ Công thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị cần xem xét thận trọng, hạn chế các thay đổi thiếu cơ sở có thể dẫn tới phá vỡ kết cấu tối ưu tổng thể hệ thống điện đã được tính toán trong quy hoạch. Thậm chí có thể phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết nếu cho phép thay đổi, tạo tiền đề xấu trong việc thực hiện quy hoạch...
Từ sự cố vừa qua cho thấy, cần triển khai ngay một số giải pháp để bảo đảm an toàn vận hành cho đường dây 500 kV Bắc - Nam, đặc biệt là công tác bảo vệ hành lang an toàn (HLAT) của đường dây; có giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện và hệ thống điện, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rã lưới một phần hoặc toàn bộ hệ thống điện. Về lâu dài tập trung vào các giải pháp phấn đấu bảo đảm tiến độ đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải của đường dây và TBA. Tập trung chỉ đạo để đưa vào vận hành các đường dây và TBA 220/500 kV khu vực; bảo đảm tiến độ các công trình nguồn điện tại miền Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.