(HNM) - Dự thảo Luật Công chứng vừa được Bộ Tư pháp hoàn thiện, trong đó ban soạn thảo đã bổ sung quy định về thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Hội Công chứng).
Đơn vị này có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, việc tập sự hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành nghề công chứng theo quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa |
Với quy định trên, có ý kiến băn khoăn cho rằng đề xuất của Bộ Tư pháp chưa phù hợp, bởi chủ trương được thành lập hội dễ dẫn đến việc hành chính hóa tổ chức và hoạt động của tổ chức nghề nghiệp. Thậm chí, việc này còn tạo ra cách hiểu là Nhà nước đang áp đặt việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Chưa kể, quy định việc gia nhập tổ chức xã hội - nghề nghiệp như một trong những điều kiện để hành nghề công chứng còn có thể dẫn đến hệ quả là giao quyền cho người đứng đầu tổ chức này quá lớn và cũng có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh vì ở hầu hết các địa phương đã có Hội Công chứng, người đứng đầu cũng hành nghề công chứng. Điều kiện bắt buộc này cũng có thể "biến" tổ chức nghề nghiệp về công chứng mỗi địa phương thành cơ quan quản lý nhà nước về công chứng (do thực hiện công vụ) ngoài quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Chưa kể, nếu Dự thảo Luật Công chứng được thông qua, trong đó có quy định này, sẽ tạo tiền lệ cho các bộ khi xây dựng luật chuyên ngành cũng đề xuất quy định về việc thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ đó có thể gây ra sự thiếu thống nhất và không đồng bộ trong công tác quản lý.
Dư luận cho rằng, thay vì quy định quá chi tiết về việc phải thành lập tổ chức của hội, Dự thảo luật này chỉ nên xác định vai trò và điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Thay vì yêu cầu công chứng viên phải sinh hoạt trong một ngôi nhà chung để nâng cao nghiệp vụ, hạn chế vi phạm pháp luật thì chỉ nên tập trung nâng cao chất lượng và quy định rõ trách nhiệm của đội ngũ công chứng viên. Chẳng hạn khi công chứng một hợp đồng dân sự, nếu hợp đồng có sai phạm, trách nhiệm của công chứng viên như thế nào; nếu gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường ra sao; với những hợp đồng đã được công chứng, khi xảy ra tranh chấp và có thể bị tòa án tuyên vô hiệu, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải tham gia phiên tòa với tư cách thế nào? Đây mới là những vấn đề cần tập trung nhằm nâng cao chất lượng hành nghề công chứng, đánh giá được hiệu quả hoạt động công chứng viên theo thông lệ quốc tế hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.