Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên "sốt" theo vàng?

Thanh Nga| 05/09/2013 07:47

(HNM) - Từ chênh lệch 7 triệu đồng/lượng, khoảng cách giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới đã được rút ngắn về hơn 2 triệu đồng/lượng.

Đã từng có thời kỳ nhiều người ví thị trường vàng lên "cơn sốt". Sự vội vàng của giới đầu tư, cộng với những lo lắng thái quá của người dân khiến vàng trở thành thứ tài sản không thể thay thế được. "Chạy trốn" khỏi thị trường chứng khoán, rồi "quay lưng" với bất động sản, không ít nhà đầu tư tìm đến với vàng. Nhiều người đổ xô đi mua với tâm lý lo sợ khủng hoảng kinh tế, trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu, đã làm cho vàng càng trở nên đắt giá.

Giá vàng trong nước và thế giới đã rút ngắn khoảng cách. Ảnh: Như Ý



Với tâm lý sợ lạm phát, sợ khủng hoảng kinh tế toàn cầu "gõ cửa", người ta đổ xô đến vàng, vì thế mà giá vàng càng tăng với tốc độ phi mã. Nếu như cách đây khoảng 9 năm, giá vàng mới ở mức hơn 700 nghìn đồng/chỉ, thì giờ đây đã vươn gần đến 3,9 triệu đồng/chỉ với vàng miếng SJC và 3,7 triệu đồng/chỉ với thương hiệu khác. Mặc dù vẫn ở mức quá cao, song so với mấy năm trở lại đây, giá vàng ở mức chấp nhận được với giới đầu tư nếu nhìn lại năm 2011, giá đã từng leo lên hơn 48 triệu đồng/lượng do giá thế giới tiến lên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá trong nước ở thời điểm đó cao, song mức chênh với giá thế giới không lớn. Từng có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng do nhà đầu tư ào ào kéo đến các cửa hàng vàng để xếp hàng mua và ngày đó bị gọi là ngày "đen tối" của thị trường vàng. Nhưng sau đó, giá vàng trong nước tiếp tục "leo thang", bỏ xa thế giới 3 triệu đồng/lượng, 5 triệu đồng/lượng, thậm chí là 7 triệu đồng/lượng và cụm từ "ngày đen tối" không còn được sử dụng.

Chính vì vậy, khi mức chênh giữa thế giới và trong nước được rút ngắn xuống hơn 2 triệu đồng/lượng, nhiều người dân cũng như giới đầu tư "thở phào" vì đã lâu rồi khoảng cách này mới được thu hẹp đến thế. Trong nhiều ngày liền cuối tháng 8, bất chấp giá thế giới tăng cao, giá trong nước vẫn chỉ biến động nhẹ. Mức giá phổ biến của giá vàng miếng SJC là 38,7 triệu đồng/lượng (bán ra); thương hiệu khác khoảng 37 triệu đồng/lượng. Theo phân tích của giới chuyên gia, "cầu" của thị trường đã giảm, người dân bình thản hơn đối với vàng đã khiến giá không còn "sốt xình xịch". Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm vàng vào thị trường qua các phiên đấu giá. Sau 57 phiên đấu thầu, NHNN đã cung cấp thêm cho thị trường gần 60 tấn vàng, một khối lượng không nhỏ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã hoàn tất việc tất toán vàng nên nhu cầu giảm hẳn so với vài tháng trước.

Vẫn biết vàng là một kênh bảo toàn dòng tiền khá tốt và truyền thống của người Việt từ xưa đến nay vẫn là mua để tích trữ. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đề cao vàng như một loại hình đầu tư không thể thay thế được. Trên thực tế, sự biến động của vàng nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ chuyên gia hay tổ chức nào, mọi dự đoán đơn giản chỉ là dự đoán, còn đường đi của vàng khó có thể biết trước. Vàng có thể tăng với biên độ lớn để giúp nhà đầu tư thu được lợi nhuận cao, song cũng không có nghĩa là không thể rơi xuống đáy, khiến nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ nặng. Còn đối với hình thức tích trữ, nếu trước đây gửi vàng tại ngân hàng người dân được trả lãi, hiện nay, người dân lại phải trả phí để ngân hàng giữ hộ. Rõ ràng là so với những hình thức đầu tư khác như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, hay chứng khoán, kênh đầu tư vàng hiện rõ ràng là yếu thế hơn. Thêm vào đó, khoảng cách 2 triệu đồng/lượng giữa hai thị trường chưa phải là một mức hợp lý, vẫn còn quá cao so với nhiều thời điểm trước, khi giá trong nước chỉ chênh thế giới vài trăm nghìn đồng/lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên "sốt" theo vàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.