(HNM) - Theo thống kê không chính thức, lượng khách du lịch
Lợi thì có lợi...
Tây ba lô hay backpacker là thuật ngữ để chỉ khách du lịch "bụi". Thông thường, chỉ những người có mức sống trung bình trở xuống mới lựa chọn hình thức du lịch này. Theo nghiên cứu của TS Mark Hampton (Đại học Kent, Vương quốc Anh), 70-80% khách du lịch Tây ba lô có độ tuổi 20-29, trong đó 20% là sinh viên và 40% là người có trình độ học vấn đại học trở lên. Khách Tây ba lô thường tiêu không quá 15 USD/ngày cho các nhu cầu ăn uống, đi lại... Họ cũng thường không đi đến những nơi khách du lịch thông thường ưa thích mà hướng đến khám phá những vùng đất mới. Thời gian lưu trú của backpacker lâu hơn từ 3-5 lần so với khách du lịch bình thường. Tại Việt Nam, thời gian lưu trú trung bình của họ là 37,1 đêm, cao hơn cả Thái Lan (33,5 đêm).
Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo nhóm nghiên cứu Greg Richards and Julie Wilson (Tổ chức Nghiên cứu du lịch quốc tế ISTC), một khách du lịch backpacker chi tiêu cho một chuyến đi khoảng 2.200 USD so với khách du lịch thông thường là 1.470-1.800 USD. Điều đáng lưu ý là người dân địa phương sẽ được hưởng phần lớn nguồn thu này chứ không phải các nhà hàng, khách sạn sang trọng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp có vốn đầu tư hoặc được sở hữu bởi các cá nhân, tập đoàn nước ngoài vì backpacker hướng đến sử dụng các dịch vụ bình dân. Họ cũng thường dùng các sản vật của địa phương chứ không tiêu thụ những sản phẩm cao cấp, xa xỉ nhập khẩu từ nước ngoài. Chính những đặc điểm tiêu dùng trên của khách Tây ba lô đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương, các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn mô hình nhỏ phát triển do số vốn đầu tư không cần lớn và có thể tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Bất cập cũng không ít
Đại diện một doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trên thực tế, ở Việt Nam có hai loại khách Tây ba lô. Một là khách backpacker đúng nghĩa và đàng hoàng. Những người này có thể mang lại lợi ích vì họ thường đi du lịch với mục đích trải nghiệm, khám phá và thường dùng mạng xã hội tuyên truyền cho du lịch Việt Nam. Loại thứ hai là khách Tây ba lô có trình độ thấp, thất nghiệp, lợi dụng chính sách visa thông thoáng của Việt Nam để lao động bất hợp pháp. Đáng tiếc là khách du lịch Tây ba lô loại hai chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng gần 5.000 Tây ba lô đã vứt hộ chiếu với mục đích ở lại Việt Nam. Đa số đến từ các nước Châu Phi, Trung Đông như: Algieria, Afghanistan, Mozambich... Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, trong đó có cả những nghề trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam như làm "trai bao". Không ít người thường quậy phá hoặc có hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, trộm cắp.
Có một thực tế là rất ít quốc gia trên thế giới khuyến khích du lịch Tây ba lô. Họ thường khuyến khích khách du lịch đi theo đoàn để có người chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra và khách đoàn thường ở dịch vụ cao hơn, chi tiêu nhiều hơn, do vậy đem lại lợi nhuận lớn hơn. "Làm du lịch cho khách Tây ba lô giống y việc bán hàng cho khách lẻ, nghĩa là lợi nhuận ít, khó kiểm soát và không thu thuế được", đại diện doanh nghiệp lữ hành ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Trên thế giới, quốc gia nào cũng có black list (danh sách đen) những nước phải hạn chế nhập cảnh vì công dân các nước này thường nghèo nên tìm cách ở lại bất hợp pháp để lao động chui, kết bè lập bọn, gây rối trật tự, tạo gánh nặng cho xã hội. Thực tế cho thấy, ngay cả Thái Lan và gần đây là Singapore cũng làm khó dễ người Việt đi du lịch lẻ do một bộ phận công dân của chúng ta qua bên đó xuất khẩu tệ nạn và lao động chui.
Trong một hội nghị về du lịch diễn ra mới đây, ông Vũ Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực quanh Hồ Tây hiện có nhiều gia đình xây những căn hộ với quy mô khoảng trên chục phòng để cho Tây ba lô thuê. Nhiều người trong số này làm việc trong các quán bar, dạy tiếng Anh, hay sửa xe máy... Họ thường thuê xe máy phân khối lớn, rồ ga to gây tiếng ồn, đi lại không có trật tự và không cả đội mũ bảo hiểm. "Tôi không dám chắc là các gia đình này không đăng ký kinh doanh và đăng ký tạm trú, tạm vắng cho khách. Nhưng nếu điều này là sự thật thì nó gây khó cho các cơ sở lưu trú chính đáng. Nhà nước cũng không thu được thuế từ những cơ sở này", ông Vũ Quốc Toản khẳng định.
Theo các chuyên gia du lịch, để hạn chế những mặt trái của đối tượng khách này, Việt Nam nên siết lại việc nhập cảnh một số nước lâu nay thường có khách ở lại lao động chui. Vì đơn giản như Campuchia, một đất nước nghèo hơn Việt Nam nhưng cũng có danh sách 9 nước nhập cảnh có điều kiện. Việt Nam hiếu khách và thân thiện nhưng cũng cần có những chính sách nhập cảnh phù hợp để tránh tạo gánh nặng không đáng có cho chính nước mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.