Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

Gia Bình| 24/06/2011 06:54

(HNM) - Theo các chuyên gia, lạm phát có khả năng hạ nhiệt trong tháng 6. Điều đó cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất (LS) giảm nhẹ... sẽ là cơ sở quan trọng để giảm dần sức ép của chính sách tiền tệ thắt chặt.


Liên tục trong nhiều tuần qua, lãi suất ngân hàng đã tạm giữ ổn định. Ảnh: Như Ý


Những tín hiệu tích cực về LS và tính thanh khoản bước đầu cho thấy sức ép từ chính sách tiền tệ thắt chặt đang dần giảm. Chưa nới lỏng chính sách tiền tệ, song đại diện ngành chức năng khẳng định sẽ căn cứ theo các chỉ tiêu công bố như tăng trưởng GDP, lạm phát để điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng linh hoạt. Các ngân hàng (NH) thương mại phải tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng LS, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có biện pháp cụ thể để hỗ trợ thanh khoản cho các NH. Đặc biệt, việc giữ vững ổn định thị trường liên NH và hỗ trợ cho các NH nhỏ thanh khoản sẽ góp phần ổn định LS tiết kiệm và cho vay. Mặt bằng LS huy động tiếp tục được giữ ở mức 14%/năm với VND và 0,5-2%/năm với USD. Các NH cần minh bạch thông tin để giúp người dân chọn NH gửi tiền, trên cơ sở đó hạn chế tình trạng các NH cạnh tranh trong huy động vốn bằng LS.

Các chuyên gia cho rằng, nếu nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nguy cơ, với các thông tin về nợ công, lạm phát, nhập siêu lớn, "bong bóng" BĐS... Đó là chưa kể hệ lụy khó lường về tính thanh khoản, nợ xấu của doanh nghiệp (DN) và một số NH. Do đó, nhìn nhận khách quan về tình hình kinh tế trong những tháng tới sẽ rất khó khăn và một bộ phận DN có thể gặp nguy hiểm. Có lẽ vì thế mà chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ; chính sách tiền tệ chỉ được nới khi kinh tế vĩ mô thật sự được bình ổn trở lại.

Tuy nhiên, liên tục nhiều tuần qua, LS đã có xu hướng "giảm nhiệt". Điều này được thể hiện qua các diễn biến tích cực trên thị trường liên NH. Trong mấy tuần gần đây, LS trên thị trường liên NH dù vẫn có biến động, nhưng hầu hết giữ được ổn định ở mức thấp ở các kỳ hạn, thấp hơn nhiều so với mặt bằng LS huy động từ dân. Khác với nhiều thời điểm từ đầu năm đến hết tháng 5-2011, khi nhiều NH phải vay qua đêm với LS lên đến hơn 20%/năm thì hiện nay, những khoản vay qua đêm được giao dịch với LS trên dưới 13%/năm. Thực tế này cho thấy, tính thanh khoản của các NH đang được cải thiện, tạo tâm lý ổn định LS trên thị trường. Song, LS chỉ giảm khi có các tín hiệu rõ rệt về giảm lạm phát. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 có thể thấp hơn tháng 5 vẫn chỉ là dự báo và nếu dự báo này là đúng thì kỳ vọng giảm LS cho vay trên thị trường sẽ có thêm cơ sở vững chắc. Nhưng, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của không ít NH đã gần hết chỉ tiêu dành cho cả năm là 20%.

Để bảo đảm nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng như hiện tại trong môi trường LS như hiện nay, NHNN cần bỏ các quy định hành chính liên quan đến LS và tín dụng. Bởi, nền kinh tế là một thực thể hữu cơ mà không phải là tập hợp của những bộ phận tách rời. Các thị trường liên thông với nhau chứ không phải là những mảng riêng biệt. Chẳng hạn, thị trường BĐS có quan hệ mật thiết với các ngành nghề xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Các DN xây lắp và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng lại có quan hệ với các lĩnh vực cung cấp nhiên liệu, hóa chất cơ bản... Việc điều chỉnh nhu cầu về vốn, do vậy cần phải để tự các DN và NH thương mại thực hiện theo tín hiệu chung của thị trường cũng như đặc thù của từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thậm chí từng DN, thay vì áp đặt một tỷ lệ tín dụng cho cả thị trường, hoặc từng lĩnh vực.

Theo các chuyên gia, NHNN chỉ nên tập trung vào các mục tiêu: bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống NH và bảo đảm LS luôn thực dương, bám sát tốc độ lạm phát. Có như vậy, sự linh hoạt trong thắt chặt, hay nới lỏng chính sách tiền tệ mới đạt hiệu quả cao, mới có tác dụng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.