Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên mở trường ồ ạt?

Bảo Nga| 15/06/2010 06:57

(HNM) - Những ngày qua, vấn đề chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và tình trạng ồ ạt mở các trường ĐH không chỉ là "điểm nóng" được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi tại nghị trường, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 300 cơ sở giáo dục ĐH. Chỉ trong 12 năm trở lại đây, đã có thêm 87 trường ĐH được thành lập, nâng cấp. Việc các cơ sở đào tạo ĐH được thành lập và nâng cấp ồ ạt là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng... Xung quanh câu hỏi: Làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH? Ban Bạn đọc đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Chúng tôi xin trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu...

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam):
Cái đích của giáo dục là đáp ứng nhu cầu xã hội

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của Việt Nam hiện nay, đó là cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện học tập, trường lớp, phòng thí nghiệm, đội ngũ giáo viên, giáo trình... chưa tương xứng và trong suốt quá trình hoạt động không được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc. Do chất lượng sinh viên ra trường kém, nên dù các hội chợ việc làm được tổ chức thường xuyên, nhưng nguồn nhân lực đạt yêu cầu rất ít. Điều đó chứng tỏ, khâu đào tạo của chúng ta không gắn với thực tế của cuộc sống. Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại kỹ năng làm việc cho nhân viên. Chất lượng giáo dục kém có nguyên nhân chính từ công tác kiểm soát các hoạt động của ngành giáo dục không đạt chuẩn, không xử lý nghiêm và kịp thời những trường hợp yếu kém, sai phạm... Tôi cho rằng cái đích của một nền giáo dục là đáp ứng yêu cầu của thị trường và xã hội, chứ không phải đào tạo để "chạy đua" theo kế hoạch là đến năm 2020 đạt được 450 sinh viên/10.000 dân...

Bà Trương Thị Kiên, giảng viên Khoa Phát thanh- Truyền hình, Học viện Báo chí - Tuyên truyền:
Vẫn còn các trường ĐH, CĐ tồn tại theo kiểu "hữu danh vô thực"

Chất lượng đào tạo là điều quan trọng nhất của bất kỳ nền giáo dục nào. Để có chất lượng tốt, theo tôi, cần phải có 3 yếu tố: giáo viên giỏi; trang thiết bị phục vụ dạy - học đầy đủ, hiện đại; đầu vào chặt chẽ. Một giáo viên giỏi, trước hết phải chuẩn về học vị, học hàm, có phương pháp giảng dạy hiện đại. Hơn nữa, phải có bột mới gột được nên hồ, nếu "đầu vào" sinh viên quá kém, không có "tư chất", thì giáo viên giỏi đến mấy cũng không thể đào tạo nên được những sinh viên xuất sắc. Hiện tại, các trường ĐH nhiều, nhu cầu tuyển sinh lớn, nên học sinh kém cũng được vào cao đẳng, ĐH. Đây là điều đáng báo động. Chất lượng dạy và học còn liên quan đến cơ sở vật chất của trường. Giáo viên giỏi, nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, sinh viên không có phương tiện thực hành, thí nghiệm, thì cũng không thể "quen việc", không thể giỏi được. Chẳng hạn, ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền, muốn sinh viên làm tốt bài tập về phóng sự truyền hình, phải có đủ máy quay để sinh viên thực tập về hình ảnh. Nếu không có máy, chỉ học "chay", thì giáo viên giảng lý thuyết có hay đến mấy, sinh viên ra trường vẫn cứ lóng ngóng, không biết làm.

Theo tôi, chừng nào còn tồn tại các trường ĐH, CĐ theo kiểu "hữu danh vô thực" như hiện nay thì chừng ấy, chất lượng giáo dục Việt Nam chưa thể cải thiện. Để tránh lãng phí tiền của của Nhà nước, nhân dân, Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các trường CĐ, ĐH trong cả nước, kể cả hệ thống dân lập, công lập. Nếu trường nào không đủ "chuẩn" về chất lượng, số lượng giáo viên, sinh viên, cơ sở vật chất, cần phải tạm thời đóng cửa hoặc đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain - Aptech (285 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội):
Nên mở nhiều trường đại học để tăng tính cạnh tranh...

Cũng như các cơ sở đào tạo khác, vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay chính là khâu nhân sự. Để có được đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp, từ việc tăng thu nhập, cử lực lượng "săn đầu người"... song việc tuyển dụng chẳng khác nào "so bó đũa, chọn cột cờ". Một trong những "căn bệnh" chung của giáo dục ĐH ở Việt Nam là tập trung quá nhiều vào lý thuyết, coi nhẹ tính ứng dụng. Hầu hết các trường ĐH vẫn đào tạo theo kiểu "đầu vào khó khăn, đầu ra ồ ạt", trái ngược với mô hình đào tạo "kim tự tháp" như của các nước phát triển, ở đó các trường luôn mở rộng cánh cửa đầu vào, nhưng trong quá trình đào tạo lại đào thải mạnh để cho "ra lò" nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần hạn chế hình thức đào tạo không chính quy, bởi thực tế đào tạo nhiều năm qua cho thấy, hệ ĐH từ xa, mở rộng, tại chức có chất lượng dạy và học rất thấp, chủ yếu tận dụng nhu cầu về bằng cấp trong xã hội. Tuy nhiên, cá nhân tôi ủng hộ việc thành lập nhiều trường ĐH, vì có như vậy các trường mới cạnh tranh nhau, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên mở trường ồ ạt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.